Thi THPT Quốc gia nhất thiết phải thi tự luận

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Gian lận thi trung học phổ thông năm 2018 vừa phát hiện tại ba tỉnh (Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình) cho thấy có tổ chức, có cả những cán bộ có chức quyền vi phạm. Đây mới chỉ phát hiện được ở khâu chấm thi, ở khâu coi thi có gian lận không, hay ngoài 3 tỉnh trên còn tỉnh nào vi phạm mà chưa phát hiện được. 

Nguyên nhân chính của những sai phạm tồn tại trong việc triển khai đổi mới thi trung học phổ thông  năm 2018 do đâu? Cùng một phương thức tổ chức, thế nhưng nếu kỳ thi trung học phổ thông  năm 2017 nhiều môn thi, đề thi dễ quá dẫn đến mưa điểm 10 gây khó cho công tác tuyển sinh ở một số trường đại học tốp đầu thì năm 2018 phổ điểm chung lại khá thấp. Như vậy, điểm thi trung học phổ thông có phản ánh đúng năng lực học tập và rèn luyện của học sinh?

Khi tiến hành đổi mới thi cử, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thực hiện đánh giá nghiêm túc để rút ra ưu điểm, khuyết điểm của các kỳ thi trước, từ đó mà chọn ra các phương án tối ưu để tiến hành đổi mới tổ chức thi cho ngày một tốt hơn. Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng làm rất tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông - ở kỳ thi này học sinh dự thi có 4 môn, 2 môn Văn và Toán biết trước, 2 môn còn lại (một môn tự nhiên, một môn xã hội) đến cuối tháng ba bộ mới thông báo. Như vậy trong suốt năm học các trường vẫn cho các ẹm học tập toàn diện tất cả các môn, học sinh có hơn một tháng tập trung ôn tập và thi có bốn môn để xét công nhận tốt nghiệp.

Với kiểu thi hiện nay, các em phải thi tối thiểu 6 môn  do được lựa chọn  bài thi tổ hợp cùng với 3 môn bắt buộc. Học sinh biết trước môn thi ngay từ đầu năm học, nên có những môn học sinh không đăng ký thi thì trong quá trình học sẽ không học hành cẩn thận. 

Công tác ra đề thi thay đổi liên tục như chuyển đề Toán từ tự luận sang trắc nghiệm, rồi thi đề tổ hợp các môn, dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục và học sinh dự thi chưa thích ứng kịp thời. Theo tôi, thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhất thiết học sinh phải làm bài thi tự luận, không nên thi trắc nghiệm. Mỗi kiểu thi có ưu, có khuyết, nhưng thi tự luận nó đòi hỏi cao về tư duy, sự sáng tạo, tính lôgic của vấn đề,  yêu cầu cả khả năng tự chủ, bản lĩnh tự tin, cách trình bày khoa học của học sinh khi làm bài. Những phẩm chất này của học sinh được hình thành trong quá trình học tập và rèn luyện, đáp ứng được mục tiêu mà Nghị quyết 29/NQ/TW này 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra. 

Có người nói thi tự luận giáo viên chấm thi vừa tốn kém vừa không có độ chính xác cao, ai nói như thế chứng tỏ họ chưa tham gia chấm thi tốt nghiệp bao giờ. Giáo viên tham gia chấm thi còn là cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhau để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trong khi đó, thi trắc nghiệm nhiều khi học sinh tích bừa vẫn có thể có điểm. 

Khi tiến hành đổi mới để xét tốt nghiệp lại lấy kết quả thi, cộng với điểm tổng kết năm học lớp 12 để xét đỗ tốt nghiệp, thế là các trường bên cạnh việc trang bị kiến thức cho học sinh đi thi lại chỉ đạo tổng kết thật có lợi, thật “đẹp” cho học sinh. Bộ đã từng kiểm tra xem điểm tổng kết của học sinh lớp 12 ở tất cả các tỉnh mấy năm qua có bất thường hay không? Và nếu có thì kết quả công nhận tốt nghiệp liệu có còn công bằng, chính xác?

Việc vận dụng tin học vào các khâu của kỳ thi là rất cần thiết nhưng các phần mềm phải hết sức chính xác và khi cần phải kiểm tra được ngay. Đừng vì thấy cách thi này ít tiền hơn, đơn giản hơn mà đánh mất tính chính xác, tính công bằng, không chặt chẽ, dễ gian lận ảnh hưởng rất lớn đến mục đích, yêu cầu của kỳ thi quốc gia. Quá trình làm thi, chỉ cần sơ suất là “sai một ly, đi một dặm”, hậu quả khôn lường. Làm thi vốn cực kỳ vất vả, nên làm thi mà muốn nhẹ nhàng thì hỏng thi là phải.

Từ vi phạm Quy chế thi ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình vừa qua, nhớ “bài học xương máu” về vi phạm Quy chế thi nghiêm trọng của giáo dục Phú Thọ, Hà Nam năm 2000 (sửa điểm thi cho học sinh có kết quả tốt nghiệp loại giỏi để được xét tuyển thẳng vào các trường đại học). Khi đó nhiều cán bộ, giáo viên của hai tỉnh này bị kỷ luật rất nặng. Việc phát hiện được những sai phạm cũng từ đơn thư của tố cáo của học sinh và phụ huynh bất bình với việc làm sai trái của một số cán bộ, giáo viên để một số ít học sinh được hưởng đặc quyền, đặc lợi gây ra sự thiếu công bằng trong giáo dục. 

Những phân tích nêu trên cho thấy cuộc đổi mới thi trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những năm qua chưa đạt được mục đích yêu cầu của một kỳ thi quốc gia, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29 ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Cụ thể, không đạt được mục đích là trung thực, không đảm bảo sự tin cậy trong xã hội và không đánh giá đúng năng lực học sinh. 

Quốc hội có chủ trương lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân về kỳ thi trung học phổ thông, cá nhân tôi đề nghị lấy ý kiến luôn có nên tiếp tục thi tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở hay không. Mấy năm qua bỏ hai kỳ thi này học sinh tiểu học và trung học cơ sở rất lười học.

Kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thể hiện chất lượng quá trình đào tạo của giáo dục phổ thông, là kênh thông tin chính  phản ánh công tác tổ chức hoạt động dạy và học, công tác quản lý giáo dục ở các địa phương, giúp các trường đại học có căn cứ tuyển sinh, giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điều chỉnh kịp thời. Vì thế, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là vô cùng quan trọng và cần thiết phải có kỳ thi này.

Tin cùng chuyên mục

Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. (Ảnh: Anh Nhi)

Căng thẳng chuẩn bị kỳ thi vào lớp 10

(PLVN) - Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, nhiều sự thay đổi về phương thức, chỉ tiêu xét tuyển khiến học sinh (HS), phụ huynh lo lắng. Đặc biệt, chỉ còn hơn tháng nữa kỳ thi sẽ diễn ra, nên đây là thời điểm HS cấp tốc ôn tập...

Đọc thêm

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?