Thấp thỏm đợi kết quả
Năm 2023, nhiều trường đại học đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia để ưu tiên cho những phương thức xét tuyển khác. Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đã giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia từ 35% (năm 2022) xuống 25%, còn 75% chỉ tiêu sử dụng kết quả xét tuyển từ những kỳ thi riêng, chứng chỉ quốc tế, học bạ. Đại học Sư phạm Hà Nội đã tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực lên 20 - 30% tùy từng ngành (năm 2022 là 10%). Chính vì vậy, nhiều thí sinh cho rằng kết quả xét tuyển đại học bằng điểm thi THPT quốc gia năm nay cũng sẽ “khó lường”.
Nhận xét về phổ điểm thi năm 2023, GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội dự báo, một số ngành sẽ có biến động nhỏ về điểm xét tuyển và có lẽ sẽ không tăng đối với khối khoa học tự nhiên. Về cơ bản, theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học năm nay không có biến động lớn so với năm ngoái.
Như vậy, với phổ điểm thi THPT quốc gia không có nhiều thay đổi so với các năm trước, những thí sinh sử dụng điểm tốt nghiệp THPT để xét tuyển sẽ gặp phải khó khăn, khi một số trường đại học tốp đầu đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển này.
Nguyễn Phương Anh (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, năm nay em được 25.4 điểm thi khối D, ngôi trường em mơ ước là Đại học Kinh tế Quốc dân. Phương Anh được các nhiều người tư vấn là rất khó đỗ: “Năm ngoái, ngành có điểm chuẩn thấp nhất của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 26.1 điểm. Năm nay, phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia của trường lại giảm chỉ tiêu, nên khả năng em trượt rất cao”. Tuy vậy, Phương Anh vẫn đặt nguyện vọng một là ngôi trường này.
Giống với Phương Anh, Trần Tuấn Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên xem những “khảo sát điểm” tại các nhóm do thí sinh, sinh viên lập ra trên mạng xã hội để dự đoán tỷ lệ đỗ, trượt. Em cho biết, với tổng điểm thi khối D là 27, em đăng ký hai nguyện vọng là ngành Sư phạm Tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh của Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, Linh không khỏi hoang mang khi so với điểm thi của các thí sinh khác đăng ký cùng chuyên ngành: “Nguyện vọng 1, em đăng ký ngành Sư phạm Tiếng Anh, so với điểm chuẩn năm ngoái, em thấp hơn gần 0.5 điểm. Đối với ngành Ngôn ngữ Anh, tuy điểm của em nhỉnh hơn với điểm chuẩn năm trước, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của trường giảm, có thể em sẽ trượt cả hai nguyện vọng”.
Còn nhiều cơ hội cho các thí sinh
Theo số liệu từ Bộ GD&ĐT, lượng thí sinh tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển đại học giảm gần 20% so với năm 2021 và giảm 3,4% so với năm 2020. Lượng thí sinh lựa chọn học đại học đang giảm, chỉ khoảng 50% thí sinh nhập học đại học. Trong năm 2023, hơn 30% thí sinh, tức là khoảng 292.000 thí sinh từ bỏ cơ hội vào đại học. Vì vậy, dù số lượng nguyện vọng đăng ký vào các trường đại học rất cao, nhưng sau khi lọc “ảo”, xét tuyển đợt 1 thì nhiều sinh viên không nhập học vì các lý do khác nhau.
Thực tế, năm 2022, kết thúc đợt xét tuyển 1, chỉ có 80.7% thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống, cả nước còn 100.000 chỉ tiêu cần bổ sung. Vào các năm trước, số lượng thí sinh xác nhận nhập học chỉ dao động từ 50 - 70%, như năm 2021 là 55.3%. Vì vậy, sau đợt xét tuyển đầu tiên, các thí sinh hoàn toàn có cơ hội xét tuyển bổ sung hệ đại học chính quy vào những ngôi trường chất lượng. Đặc biệt, để thu hút thí sinh đăng ký nguyện vọng vào đại học, năm nay, nhiều trường đã sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh cho tất cả các ngành.
Số liệu từ các năm trước cho thấy, thí sinh xét tuyển đại học bằng điểm thi THPT quốc gia 2023 không cần quá lo lắng, vì còn rất nhiều cơ hội cho các em. Quan trọng, thí sinh cần chọn được ngành nghề yêu thích, phù hợp với bản thân và nhu cầu thị trường lao động. TS. Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn ngành nghề, đầu tiên là xét năng lực của bản thân, có yêu thích hay không, sau đó là nhu cầu xã hội về ngành nghề đó thế nào và cuối cùng là thu nhập.
Khi chọn được ngành nghề yêu thích, các em vẫn còn rất nhiều cơ hội nếu chẳng may trượt những trường đại học mơ ước. Vì bên cạnh các trường đại học, vẫn còn trường quốc tế, trường nghề, cao đẳng có chất lượng tốt để các em lựa chọn. Thay vì lo lắng, các thí sinh nên thư giãn, nghỉ ngơi để “nạp năng lượng” cho một niên học sắp tới.
Cô Nguyễn Thị Hồng (giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội) chia sẻ, thời gian thí sinh chờ điểm chuẩn được công bố cũng căng thẳng và áp lực không kém giai đoạn thi THPT quốc gia. Cho nên, thay vì giữ những cảm xúc tiêu cực, các em cần thư giãn, nghỉ ngơi để cân bằng lại: “Đây là lúc các em có thể ở bên gia đình, trò chuyện cùng bố mẹ, bạn bè hoặc làm những điều mình thích. Việc lo lắng, run sợ hay hoang mang cũng không thể giúp kết quả thay đổi mà còn làm xấu đi tình hình sức khỏe và ảnh hưởng đến tinh thần của các em. Vì vậy, hãy thoải mái đón nhận kết quả”. Cô nhấn mạnh, đây là thời gian “vàng” để các thí sinh xây dựng kế hoạch trong tương lai, chọn những hướng đi phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình, đồng thời bồi dưỡng thêm kỹ năng sống, giúp bản thân hoàn thiện hơn trong một hành trình dài sắp tới.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 12/8 đến 17 giờ ngày 20/8, các cơ sở đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát dữ liệu trên hệ thống, sau đó tải dữ liệu, thông tin xét tuyển để tổ chức xét tuyển nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký. Việc lọc ảo, xử lý nguyện vọng của thí sinh sẽ được thực hiện 6 lần trên hệ thống và kết thúc vào chiều 20/8. Trước 17h ngày 22/8, tất cả các trường đại học trên toàn quốc sẽ công bố điểm chuẩn năm 2023. Thí sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học trước 17h ngày 6/9/2023.