Khiếu nại cơ quan nào cho đúng
Ông Phạm Văn Quang (Tháp Mười – Đồng Tháp) hỏi: Vừa qua tôi phát hiện người con út đem sổ đỏ đi cầm cố lấy tiền tiêu xài và sỏ đỏ lại đứng tên nó, trong khi tôi chưa hề làm thủ tục cấp GCNQSDĐ hay đồng ý cho nó đứng tên. Sự việc đã được giải quyết trong nội bộ gia đình nhưng không xong, vậy tôi phải làm gì để bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình?
- Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông gửi đơn khiếu nại (KN) đến Chủ tịch UBND cấp huyện (nơi đã cấp GCNQSDĐ cho con ông). Nếu Chủ tịch UBND huyện bác đơn KN, giữ nguyên QĐ cấp giấy, ông có quyền KN lên Chủ tịch UBND cấp tỉnh (Qua phòng tiếp công dân UBND tỉnh) hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại TAND cấp huyện. Nội dung đơn KN phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên và địa chỉ của mình; trình bày rõ nội dung KN: QĐ hành chính, bị KN; lý do tại sao KN; yêu cầu của mình hủy GCNQSDĐ. Cuối đơn phải có chữ ký (hoặc điểm chỉ của ông). Kèm theo đơn KN hoặc khởi kiện là các chứng cứ có liên quan.
Còn một cách khác ông có thể lựa chọn là khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án cấp huyện về kiện đòi tài sản (QSDĐ) mà con ông đã chiếm đoạt. Khi ấy ông có quyền yêu cầu Tòa trưng cầu giám định chữ ký mà ông cho là giả mạo để được cấp GCNQSDĐ.
Phải làm đơn khiếu nại hay yêu cầu giải quyết?
Anh Thạch Minh Khanh (Vĩnh Thuận – Kiên Giang) nêu vấn đề: Để hướng dẫn, giải đáp cho nhân dân trong các vụ khiếu kiện cho đúng quy định của pháp luật, nhất là trong các vụ tranh chấp đất đai cũng như các vụ việc liên quan đến đất đai. Xin cho biết các quyết định nào về quản lý đất đai bị khiếu nại (KN); khi tranh chấp đất đai các bên phải làm đơn KN hay yêu cầu giải quyết?
- Điều 162 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 quy định các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị KN bao gồm: QĐ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; QĐ bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ; QĐ gia hạn thời hạn sử dụng đất.
Hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị KN là hành vi của cán bộ, công chức nhà nước khi giải quyết công việc thuộc phạm vi quy định trên.
Khi các bên trong tranh chấp đất đai không hòa giải được, cơ quan nhà nước xem xét và ra QĐ giải quyết tranh chấp, nhưng một trong hai bên không đồng ý nên đã KN QĐ giải quyết đó. Tuy nhiên tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP đã không dùng từ “khiếu nại” QĐ giải quyết tranh chấp nếu không đồng ý với QĐ đó mà “gửi đơn xin giải quyết tranh chấp” tới cơ quan quản lý cấp trên.
Thi hành án xong, tái chiếm đất xử lý thế nào?
Bà Huỳnh Thị Tam (Châu Thành – Bến Tre) hỏi: Cơ quan Thi hành án huyện đã giao 0,5 ha đất cho tôi theo bản án của Tòa án. Tuy nhiên, sau khi cán bộ thi hành án về thì ông Phạm B. tiếp tục tái chiếm không cho tôi vào canh tác. Tôi đến trình báo sự việc với Cơ quan Thi hành án thì họ trả lời đã thi hành xong, không còn trách nhiệm. Vậy cơ quan nào có trách nhiệm xử lý ông B. để bảo vệ quyền lợi cho tôi ?
- Trách nhiệm của Cơ quan Thi hành án dân sự trong vụ việc này đã xong, do vậy bà phải yêu cầu cơ quan khác có thẩm quyền xử lý. Theo quy định tại Điều 3, 7, 9 Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 thì đây là trường hợp lấn chiếm đất. Tùy theo giá trị quyền sử dụng đất (có 4 mức ), người vi phạm bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 100.000.000 đồng và buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm. Bà cần báo cáo Chủ tịch UBND xã để xử phạt theo quy định. Nếu vượt quá thẩm quyền, xã lập biên bản và đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xử phạt. Việc xử lý trong trường hợp này phải tuân theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
PLVN