Nhiều chuyển biến rõ rệt trong thi hành án dân sự
Theo Báo cáo, qua rà soát các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV; một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao các Bộ, ngành triển khai thực hiện các Nghị quyết nêu trên, Bộ Tư pháp được giao tham mưu giúp Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của QH về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn (Nghị quyết số 113/2015/QH13) và Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của QH về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV (Nghị quyết số 55/2017/QH14).
Đánh giá chung, Báo cáo khẳng định, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp được giao trong các Nghị quyết nêu trên bảo đảm chất lượng, tiến độ. Một số mặt công tác có chuyển biến rõ nét, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai một số nhiệm vụ nêu trong các nghị quyết vẫn còn hạn chế, vướng mắc, nhất là trong việc thực hiện các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực của Tòa án.
Đề cập cụ thể về thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, Báo cáo nhấn mạnh về nhiệm vụ “Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác thi hành án dân sự”. Theo báo cáo, công tác thi hành án dân sự (THADS) tiếp tục có những chuyển biến rõ rệt, kết quả thi hành xong năm sau cao hơn năm trước, đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp và các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung chú trọng giải quyết. Công tác phối hợp trong THADS giữa các cơ quan THADS với các ngành Tòa án, Kiểm sát, Nội chính, Công an, Ngân hàng, Bảo hiểm xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án. Ban chỉ đạo THADS các cấp thường xuyên được rà soát, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả.
Về kết quả THADS từ năm 2016 đến nay, báo cáo cho biết, năm 2016, đã thi hành xong 530.428 việc, đạt tỉ lệ 78,53% (vượt chỉ tiêu được giao 8,53%), với số tiền đã thi hành xong 29.097 tỷ 865 triệu 317 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 33,74% (vượt chỉ tiêu được giao 3,74%).
Năm 2017 số việc thi hành xong là 549.415 việc, đạt tỉ lệ 79,25% (tăng 0,72% so với năm 2016), với số tiền đã thi hành xong 35.242 tỷ 612 triệu 983 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 38,31% (tăng 21,12% so với năm 2016). Trong năm 2018, số việc thi hành xong là 571.708 việc, đạt tỉ lệ 80,30% (tăng 1,05% so với năm 2017), với số tiền đã thi hành xong 34.520 tỷ 915 triệu 718 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 38,35%, (tăng 0,05% so với năm 2017). Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh, năm 2019, số lượng việc và nhất là số tiền đã thi hành xong tăng cao so với năm 2018 và tăng rất cao so với đầu nhiệm kỳ. Cụ thể, đã thi hành xong 579.256 việc, đạt tỷ lệ 78,59% (tăng 1,42% so với năm 2018), với số tiền đã thi hành xong 52.715 tỷ 652 triệu 061 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 35,43% (tăng đến 52,77% so với năm 2018). Trong 11 tháng đầu năm 2020 (từ ngày 01/10/2019 - 31/8/2020), đã thi hành xong 500.323 việc, đạt tỷ lệ 72,63% (tăng 0,18% so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền đã thi hành xong 48.317 tỷ 431 triệu 386 nghìn đồng, đạt tỉ lệ 31,77% (tăng 1,96% so với cùng kỳ năm 2019).
Hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến THADS
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác THADS, báo cáo cho biết, quy định pháp luật giữa THADS và một số lĩnh vực liên quan còn chưa đồng bộ; số việc và tiền thụ lý THADS tiếp tục tăng, năm sau cao hơn năm trước; các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng có giá trị phải thi hành rất lớn, trong khi việc kê biên, phong tỏa tài sản, truy tìm tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án có việc chưa hiệu quả, kịp thời. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, Chính phủ đề ra một số giải pháp như tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến THADS, thi hành án hành chính; chỉ đạo các cơ quan THADS tập trung tổ chức thi hành án nhằm nâng cao kết quả THADS, trong đó tập trung vào các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
Cùng với đó, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra để phòng ngừa, hạn chế tẩu tán tài sản; Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp trong quá trình xét xử quan tâm hơn đến tính khả thi của bản án, quyết định, nhất là trong các vụ án lớn, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thực thi trên thực tế.