Áp lực đối với ngành Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh (THADS TP.HCM) không chỉ là số lượng án lớn (chiếm 13% về việc, 42% về giá trị thi hành án của cả nước), mà còn là rất nhiều vụ án phức tạp, khó thi hành hoặc kéo dài trong nhiều năm. Ngành THADSTP.HCM có những giải pháp gì để góp phần giảm án tồn đọng? Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lực - Cục trưởng Cục THADS TP. HCM.
Ông Nguyễn Văn Lực - Cục trưởng Cục THADS TP.HCM |
Án chưa có điều kiện thi hành chiếm hơn một phần ba
Khó khăn của nền kinh tế nói chung có tác động trực tiếp đến công tác THA. Với TP.HCM - địa bàn có lượng án nhiều nhất cả nước thì những tháng đầu năm công tác THADS có chuyển biến đáng kể không, thưa ông?
Đầu năm 2012, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng tiếp tục gặp khó khăn dẫn đến nhiều DN phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc “mất tích”. Thị trường bất động sản tiếp tục “đóng băng” và “tụt dốc”; thu nhập người dân và công chức bị giảm sút….Tình hình trên đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến công tác THADS.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao năm 2012 cao hơn nhiều so với năm 2011. Tất cả các yếu tố trên thách thức rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ năm 2012 của ngành THADS TP.
Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, sự hỗ trợ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền địa phương và ban, ngành, đoàn thể nên dù còn nhiều khó khăn song công tác THADS của TP tiếp tục có chuyển biến tích cực. Chín tháng đầu năm, toàn ngành đã giải quyết xong 28.895 việc với 2.959 tỷ đồng.
Tỷ lệ giải quyết xong về việc đạt 69,45% và về tiền đạt 57,07%. Hai chỉ tiêu quan trọng này, tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng đều đã đạt trên 80% kế hoạch năm nên nhiều khả năng chúng tôi sẽ về đích đúng thời hạn. Riêng chỉ tiêu giảm số việc chuyển sang kỳ sau thì đang là thách thức rất lớn cho toàn ngành, vì đến nay chưa giảm được mà còn có chiều hướng tăng lên.
Những năm gần đây, TP luôn thực hiện tốt chỉ tiêu giảm án tồn đọng, tại sao hiện nay số việc chuyển sang kỳ sau lại tăng? Phải chăng TP đã thỏa mãn với kết quả đã đạt được và đang có sự chùng xuống?
Chúng tôi xác định, công tác THADS tại TP đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa bền vững, do vậy phải quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện thì mới hoàn thành được nhiệm vụ. Từ năm 2007 đến nay, TP đã giảm được 21.742 việc chuyển sang kỳ sau (từ 53.574 việc năm 2007 xuống còn 31.832 việc năm 2012), tỷ lệ giảm là 40,58%. Do nhiều năm liên tục thực hiện tốt việc giảm án tồn đọng nên số việc tồn hiện nay phần nhiều là án hôn nhân thi hành theo định kỳ và những việc không thể thi hành được. Số việc mới thụ lý, tuy có giảm về số việc nhưng lại tăng về giá trị (chín tháng đầu năm tăng 547 tỷ đồng).
Trong đó, có nhiều việc liên quan đến DN, việc xử lý hàng hóa, nhà xưởng, đất đai, dây chuyền sản xuất và các tài sản khác hết sức khó khăn, đã siêu giảm giá mà vẫn không có người mua. Cũng có trường hợp phải hết sức cân nhắc lựa chọn phương thức thi hành án phù hợp để không đẩy DN đến bờ vực phá sản, làm gia tăng thêm tình trạng thất nghiệp.
Vấn đề nan giải hiện nay là chỉ tiêu giảm số việc chuyển kỳ sau do Bộ Tư pháp giao quá cao trong khi đa số án tồn đọng đã không thể xử lý được từ nhiều năm, cần có cơ chế đột phá và chúng tôi đang mong chờ Bộ Tư pháp sớm ban hành Đề án xử lý việc THA tồn đọng để có thể giải quyết tình trạng này. Những tháng cuối năm, chúng tôi đang quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện với quyết tâm cao nhất để giảm án tồn đọng.
Cả thư ký và chấp hành viên cùng biệt phái.
Án tồn đọng là nỗi lo của ngành THADS, là bức xúc chung của toàn xã hội. Được biết TP đã có từng áp dụng rất nhiều giải pháp. Và những giải pháp đó có hữu hiệu không hay chỉ là một cuộc thử nghiệm, thưa ông?
Những năm gần đây, THADS TP đã có nhiều giải pháp xử lý án tồn đọng như xây dựng và triển khai Đề án nâng cao hiệu quả công tác THADS tại thành phố Hồ Chí Minh; giao cho Đoàn Thanh niên đăng ký công trình thanh niên “giải quyết việc tồn đọng”, tập trung xử lý hồ sơ trong một số ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, thực hiện giải pháp “Đối thọai với Chấp hành viên”; THADS cũng công bố các danh sách “Doanh nghiệp chây ỳ, trốn tránh THA và DN mất tích” tại trụ sở cơ quan và trên trang web Sở Tư pháp thành phố…
Đặc biệt, năm 2012 trong đợt cao điểm THA, Cục đã có kế hoạch huy động lực lượng để giải quyết án tồn. Theo Kế hoạch này, có 25 Thư ký THA thuộc Cục và Chi cục vừa trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp được biệt phái về 4 Chi cục có lượng án tồn nhiều, thời gian thực hiện kế hoạch là 05 tháng, kể từ tháng 4/2012. Kết quả THA tại các đơn vị được biệt phái trong ba tháng vừa qua đã gần bằng kết quả sáu tháng trước đó. Bên cạnh đó, Đảng ủy và Ban Lãnh đạo Cục phát động đợt thi đua cao điểm, các đoàn thể, như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh đều có kế hoạch cụ thể để hưởng ứng .
Ngoài ra, Cục THADS.TP còn tranh thủ được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ thiết thực của địa phương, sự phối hợp của các ngành liên quan… nên liên tục 4 năm qua, ngành THADS.TP luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về thi hành án do Bộ giao.
Biệt phái chấp hành viên được xem là giải pháp tốt, tuy nhiên với thời gian biệt phái 3-4 tháng có vẻ quá ngắn, theo ông làm thế nào để biệt phái không phải là hình thức?
TPHCM đã áp dụng biệt phái chấp hành viên, Thư ký từ quận ít án đến quận nhiều án, thành lập các tổ công tác giải quyết án tồn đọng nhưng vẫn chưa giải quyết được căn cơ tình trạng quá tải công việc cho chấp hành viên, cán bộ THA. Tôi cho rằng, quan trọng là cần có cơ chế biệt phái Chấp hành viên từ địa phương có lượng án ít đến nơi có án nhiều. Có thể điều vài chục Chấp hành viên từ các địa phương khác đến TP. Hồ Chí Minh trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm, việc biệt phái này một số ngành (như Tòa án) đã làm nhưng ta thì chưa.
Cần cải thiện chế độ để thu hút nhân lực.
Từ khi thực hiện Luật THADS, việc thiếu hụt cán bộ THA ở TP HCM đã được khắc phục phần nào. Tuy nhiên ông vẫn nói nhiều lần là chưa đủ yêu cầu?
Theo chỉ tiêu biên chế nhân sự năm 2011, ngành THADS TP được giao 614 biên chế (Cục: 115; Chi cục: 499). Đến thời điểm chín tháng đầu năm 2012, đã thực hiện 582 biên chế, còn 32 biên chế chưa thực hiện. Tình trạng quá tải công việc ở TP. Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn tồn tại. Mỗi năm, bình quân một Chấp hành viên của chúng tôi thường phải thụ lý khoảng 350 hồ sơ với số tiền gần 70 tỷ đồng và nhiều việc liên quan đến phá sản DN.
Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay việc tuyển dụng người tài vào cơ quan THADS rất khó khăn bởi chế độ đãi ngộ tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa tương xứng với tính chất nguy hiểm, chịu nhiều áp lực của công . Đội ngũ cán bộ, công chức hiện có mỗi năm đều có người “dứt áo ra đi” (chín tháng đầu năm 2012 có 17 trường hợp nghỉ việc,chuyển công tác) và THA không “đủ sức” giữ họ ở lại. Vừa khó khăn trong tuyển dụng, vừa khó khăn trong “bảo toàn” đội ngũ hiện có khiến THA TP càng thêm thiếu.
Vậy, về lâu dài vẫn là tăng biên chế?
Vừa qua, Tổng cục THADS đã giao chỉ tiêu biên chế năm 2012 cho thành phố là 663 người (tăng 49 biên chế). Nhiệm vụ những tháng cuối năm còn lại, chúng tôi xác định vẫn là tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng.. siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động THADS, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cán bộ, công chức THADS vi phạm kỷ luật trong thi hành công vụ, nhất là vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự.
Hiện nay các giải pháp liên quan đến công tác tổ chức cán bộ mà ngành THADSTP đang thực hiện là luân chuyển cán bộ quản lý, Chấp hành viên, thẩm tra viên và kế toán trưởng; xây dựng Đề án cơ cấu cán bộ, công chức ngành THADS TP Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2015; liên kết mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nhất là về lý luận chính trị và quản lý nhà nước; tiếp tục tổ chức sơ tuyển, cử thư ký tham gia thi tuyển chấp hành viên và triển khai thực hiện quy hoạch, chế độ, chính sách khác.
Về lâu dài, cần có cơ chế để tập trung cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực, chuyên môn cho những địa bàn trọng điểm về THA, bên cạnh đó tạo mọi điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển mô hình Thừa phát lại để họ đủ sức chia sẻ áp lực công việc với THA, đồng thời cải thiện chế độ để hấp dẫn,thu hút cán bộ vào ngành và giữ chân đội ngũ cán bộ công chức hiện có.
Xin cảm ơn Cục trưởng.
Cần xây dựng chính sách để biệt phái chấp hành viên đến làm nòng cốt cho các Văn phòng Thừa phát lại Về thực hiện chế định thừa phát lại tại TP. HCM, Cục trưởng Nguyễn Văn Lực đề nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế pháp lý nhằm đảm bảo cho Thừa phát lại hoạt động có hiệu quả, đề nghị mở rộng địa hạt thực hiện việc THA cho các văn phòng Thừa phát lại. Cần xây dựng cơ chế, chính sách để biệt phái một số Chấp hành viên có phẩm chất đạo đức, năng lực sang làm nòng cốt cho các Văn phòng Thừa phát lại trong một thời gian theo hướng nếu chấp hành viên muốn ra hẳn để làm thừa phát lại thì cần tạo điều kiện cho họ ra. Còn nếu họ muốn quay về thì cũng cần có cơ chế để tiếp nhận. |
Thu Hằng (thực hiện)