Trong giai đoạn 2005 - 2010, phong trào thi đua của thành phố Đà Nẵng đã có những chuyển biến rõ nét và đạt được những kết quả tích cực. Thi đua, khen thưởng được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để tổ chức phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng ở địa phương.
Thời gian qua, thành phố đã tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến và Chỉ thị số 17/2006/CT-TTg ngày 8-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 và kế hoạch 5 năm (2006 - 2010) theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng. Đảng bộ, chính quyền và các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể thành phố đã quan tâm chỉ đạo, phát động các phong trào thi đua yêu nước với nhiều nội dung đa dạng, phong phú và đạt hiệu quả thiết thực. Các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân thành phố đã hưởng ứng và tham gia tích cực các phong trào thi đua, lập nhiều thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, góp phần xây dựng thành phố phát triển bền vững.
Các phong trào thi đua được tổ chức hằng năm lồng ghép vào phong trào thi đua thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được giao, trong đó có 3 nhiệm vụ trọng tâm cho từng sở, ngành, hội, đoàn thể, địa phương. Đây là một trong những phong trào thi đua mang lại hiệu quả nhất, thực sự lôi cuốn và đã có tác động rõ nét, giúp các đơn vị, địa phương giải quyết được các vấn đề bức xúc, công tác trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó là các phong trào thi đua thường xuyên được tổ chức như:
- Chương trình “Thành phố 5 không” với mục tiêu: “Không có hộ đặc biệt nghèo; không có học sinh bỏ học; không có người lang thang xin ăn; không có người nghiện ma túy trong cộng đồng; không có giết người để cướp của” được triển khai từ năm 2000 và đến cuối 2004 đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra (2 mục tiêu đầu đã được điều chỉnh vào năm 2009), nay tiếp tục được duy trì. Năm học 2010-2011, tỷ lệ trẻ em đến tuổi ở các cấp học 1 và 2 đạt 100%, trung học phổ thông đúng độ tuổi ước đạt 84%.
- Chương trình “Thành phố 3 có”: Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, đạt một số kết quả tích cực. Cụ thể, mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 3,24 vạn người, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị từ 5,06% trong năm 2006, xuống còn 4,9% trong năm 2010.
Đường phố Đà Nẵng được trang hoàng cờ, pa-nô, khẩu hiệu chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Đà Nẵng lần thứ III. Ảnh: QUỐC TÍN |
- Thi đua thực hiện các nội dung về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật và phòng chống bạo lực gia đình theo Chỉ thị số 24/CT-TU ngày 10-8-2009 và Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-10-2009 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai rộng khắp, đạt hiệu quả... đã giúp học sinh yếu vươn lên trung bình, khá; qua đó, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học từ 0,34% trong năm học 2008 - 2009, xuống còn 0,13% trong năm học 2009 - 2010.
- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Các nội dung của phong trào và cuộc vận động này được lồng ghép với việc thực hiện Đề án xây dựng “Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, phong trào “Xanh - sạch - đẹp”, thực hiện Đề án “Đà Nẵng - thành phố môi trường”, hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường vào năm 2020.
- Phong trào thi đua “Lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” được gắn với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của công nhân, viên chức, người lao động do Liên đoàn Lao động thành phố phát động, qua đó đã có 350 đề tài khoa học các cấp, 595 sáng kiến, trong đó 269 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất làm lợi hàng chục tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, công nhân, viên chức, người lao động đã có hơn 5 nghìn sáng kiến làm lợi hàng trăm tỷ đồng, hoàn thành hơn 1.100 đề tài khoa học các cấp, có 10 giải pháp kỹ thuật đạt giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, 35 cá nhân được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Các phong trào khác như: thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, về “Tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, “Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước”. Qua thực hiện, cán bộ, công chức, viên chức thành phố đã có bước chuyển biến trong tác phong và lề lối làm việc, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua theo sự kiện ở từng thời kỳ cũng đã đóng góp quan trọng trong việc thay đổi diện mạo của Đà Nẵng, đó là các phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2008 và kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng”. Đợt thi đua đặc biệt: “Cả nước hướng tới Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, thành phố đã tổ chức Lễ gắn biển công trình cầu Hòa Xuân là cây cầu dân sinh nối 2 phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) và phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) vào ngày 19-8-2010.
Hằng năm, thành phố đã tích cực phối hợp với các thành phố trong Cụm xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức ký kết giao ước thi đua; tham gia đầy đủ các Hội nghị sơ kết và tổng kết giao ước 3 năm (2006, 2007 và 2009) được Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc.
Nhờ tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, nên trong giai đoạn 2005 - 2010, thành phố đã huy động đồng bộ được nhiều nguồn lực, tạo được sức mạnh tổng hợp và đạt được những thành tựu trong duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Một số kết quả nổi bật như sau:
Đường phố Đà Nẵng được trang hoàng cờ, pa-nô, khẩu hiệu chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Đà Nẵng lần thứ III. Ảnh: QUỐC TÍN |
Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng:
Kinh tế phát triển tương đối toàn diện, đạt tốc độ tăng trưởng khá, hiệu quả và sức cạnh tranh được nâng lên một bước. Tốc độ tăng GDP bình quân 11%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 2.015 USD, gấp 2,2 lần so với năm 2005, cao hơn 1,7 lần so với mức bình quân của cả nước. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp” với tỷ trọng dịch vụ chiếm 50,5%, công nghiệp 46,5% và nông nghiệp 3,0%. Cơ cấu lao động chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 9,6%, công nghiệp 35,1%, dịch vụ 55,3%.
Thương mại tăng trưởng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tăng 21,1%/năm; Du lịch tăng 20,1%/năm và tổng lượt khách tăng 17,1%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 9%/năm. Hệ thống ngân hàng được mở rộng với 56 chi nhánh, tổ chức tín dụng và 163 phòng giao dịch, chi nhánh giao dịch. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 28,1%/năm. Hoạt động bưu chính - viễn thông - công nghệ thông tin phát triển khá. Đến cuối năm 2009, mật độ điện thoại cố định đạt 26 máy/100 dân, Internet đạt 13,1 thuê bao/100 dân, 100% thôn có Internet.
Đối với công tác đầu tư, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý đô thị có bước phát triển: Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 18,3%/năm. Đến cuối năm 2009, có 11.800 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký đạt 28,5 ngàn tỷ đồng. Công tác quản lý đô thị và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được bảo đảm, hạn chế và tiến đến xóa bỏ tình trạng xây dựng trái phép, ưu tiên tập trung vốn đầu tư vào các dự án, công trình xây dựng phục vụ chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, các công trình y tế, giáo dục, an sinh xã hội…
Công tác thu, chi ngân sách trên địa bàn đã khai thác các nguồn thu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hằng năm đạt và vượt kế hoạch, bảo đảm cân đối ngân sách và đóng góp ngân sách Trung ương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các nguồn thu và chống thất thu.
TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC, QUYẾT TÂM XÂY DỰNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NGÀY CÀNG VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG |
Văn hóa - xã hội và các chính sách an sinh xã hội:
Chất lượng giáo dục được cải thiện, đạt nhiều thành tích cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế, số học sinh bình quân 41,25 học sinh/lớp (giảm 1,70 học sinh/lớp so với năm 2005). Công tác y tế tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đến năm 2010, ước đạt 46 giường bệnh/10.000 dân; 100% xã, phường có trạm y tế; duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Các hoạt động sáng tạo trong văn hóa, văn học - nghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân thành phố. Hoạt động thể dục thể thao, thể thao thành tích cao và phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc lần thứ VI-2010 tại Đà Nẵng. Hoạt động khoa học và công nghệ có chuyển biến tốt; nguồn lực về khoa học và công nghệ được đầu tư tăng cường, ưu tiên các đề tài khoa học có khả năng ứng dụng thực tế cao.
Song song với mục tiêu phát triển kinh tế, thành phố đã tập trung thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là lĩnh vực người có công, thành phố đã vận động nhân dân hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, làm tốt công tác vận động các tổ chức, cá nhân tham gia phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng đều được phụng dưỡng với mức 1.000.000 đồng/người/tháng. Các hoạt động khác như: tăng định mức hỗ trợ cho đối tượng chính sách trong các dịp lễ, Tết, hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các gia đình đối tượng chính sách, trợ cấp thường xuyên cho đối tượng chính sách mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn…
Thành phố thực hiện thí điểm chương trình không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường; thành lập mới quận Cẩm Lệ; điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập mới 9 phường; góp phần mở rộng quy mô đô thị, tạo điều kiện thuận lợi để thành phố phát triển theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng cường công tác cải cách hành chính đạt chất lượng, hiệu quả, Trong 5 năm qua, thành phố Đà Nẵng liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (trong đó, năm 2008 và năm 2009 được xếp hạng nhất). Xây dựng đội ngũ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là một chủ trương đúng hướng, tạo đột phá và đã phát huy hiệu quả bằng những cách làm hay và sáng tạo, đó là những cách làm mới, mang tính đặc thù của thành phố, có sức lan tỏa cao như: Cử cán bộ, công chức, sinh viên đi học nước ngoài; đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường; thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý; chính sách thu hút “nhân tài”,...
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo thực hiện, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà, đất, công sản, xây dựng cơ bản, cải cách hành chính.
Hằng năm, tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu với chất lượng tốt. Các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn phối hợp làm tốt công tác dân vận, tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với vùng biển và huyện đảo Hoàng Sa; ngăn chặn có hiệu quả các hành động xâm phạm chủ quyền vùng biển.
Công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm có chuyển biến tốt. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, khiếu kiện đông người, các vụ đình công, lãn công, gây rối. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai sâu rộng. Kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông; tai nạn giao thông đường bộ giảm đáng kể cả về 3 mặt: số vụ, số người chết, bị thương; không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Công tác Khen thưởng kháng chiến được quan tâm và chú trọng đặc biệt. Các đối tượng tham gia trong các cuộc kháng chiến được đề nghị Nhà nước ghi nhận bằng các hình thức khen thưởng như Huân chương, Huy chương các hạng, danh hiệu vinh dự Nhà nước...
Công tác khen thưởng đã có chuyển biến tích cực, chất lượng. Qua số liệu thống kê 5 năm cho thấy, khen thưởng đã dần hướng vào đối tượng trực tiếp sản xuất, khối ngoài quốc doanh, góp phần động viên kịp thời, tạo điều kiện cho những điển hình tiên tiến trong đơn vị, địa phương tham gia tích cực hơn nữa trong phong trào thi đua yêu nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua của thành phố còn những tồn tại cần khắc phục trong thời gian đến:
1- Chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua yêu nước ở một số đơn vị, địa phương, nhất là đơn vị, doanh nghiệp ngoài quốc doanh có lúc chưa đi vào thực chất, chưa thường xuyên, còn nặng về sơ kết, tổng kết, hiệu quả chưa cao, triển khai phong trào thi đua còn mang tính hình thức, chưa hướng thi đua vào tập trung giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm và đột xuất.
2- Nhận thức về ý nghĩa, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và một bộ phận cán bộ chủ chốt ở cơ sở còn hạn chế, chưa quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
3- Tỷ lệ khen thưởng cho cá nhân là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý vẫn còn cao hơn so với công chức, viên chức và người lao động trực tiếp; tỷ lệ khen thưởng cho khối ngoài quốc doanh, cho đơn vị cơ sở vẫn còn thấp. Việc xác định tiêu chuẩn thi đua vẫn còn lúng túng, bình xét khen thưởng vẫn còn nhiều điều bất cập.
4- Bộ máy, nhân sự làm công tác thi đua, khen thưởng chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao, phần lớn cán bộ thi đua, khen thưởng ở cơ sở đều là kiêm nhiệm, lại thường xuyên thay đổi vị trí công tác, do vậy thiếu tính kế thừa, năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách chưa đồng đều.
Chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm qua phong trào thi đua:
Một là, công tác thi đua, khen thưởng phải được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận, các hội, đoàn thể; phải nâng cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước.
Hai là, nội dung, mục tiêu phong trào thi đua phải được cụ thể hóa, phù hợp với thực tế; coi trọng việc tổ chức đăng ký thi đua, sơ kết, tổng kết, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; tăng cường hoạt động của các khối thi đua, cụm thi đua. Tiếp tục công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những điển hình tiên tiến.
Ba là, bình xét khen thưởng phải kịp thời, công khai, dân chủ, chặt chẽ; quan tâm khen thưởng đến khối ngoài quốc doanh, đơn vị cơ sở, cá nhân trực tiếp sản xuất. Phải xây dựng Quy chế thi đua, khen thưởng, nghiên cứu để lượng hóa thành tích bằng thang điểm, hệ số điểm nhằm tổ chức thực hiện được thuận lợi.
Bốn là, xác định công tác thi đua, khen thưởng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị, địa phương vững mạnh toàn diện; lấy việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, địa phương là mục tiêu, là động lực quan trọng để tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước.
Năm là, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; quan tâm bảo đảm các điều kiện hoạt động; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ.
5 năm đến, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XX của Đảng bộ thành phố, công tác thi đua, khen thưởng cần chú trọng những điểm sau:
Một là: Từ những bài học kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai công tác thi đua, khen thưởng; giai đoạn 2010 - 2015 cần tập trung khắc phục những yếu kém trong thời gian qua, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng ngày càng chất lượng hơn; biến thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực thúc đẩy các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội phát triển.
Hai là: Công tác thi đua, khen thưởng phải hướng mạnh vào việc động viên, khích lệ, cuốn hút các tầng lớp trong xã hội phát huy tối đa năng lực của từng đơn vị, từng cá nhân trong việc đóng góp công sức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của thành phố.
Với quyết tâm đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân thành phố ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2010 - 2015, đưa thành phố Đà Nẵng sớm tiến lên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Trần Văn Minh
Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng TĐKT thành phố Đà Nẵng