Luật Thi đua, Khen thưởng được ban hành từ năm 2004 và được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013. Sau 13 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng, Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng (Bộ Tài chính) Nguyễn Hùng Minh thẳng thắn nhận định trên thực tiễn, phong trào thi đua chưa đồng đều, chưa được coi trọng và vẫn mang nặng tính hình thức. Theo đó, ông Minh đề nghị cơ quan soạn thảo nên điều chỉnh Luật sửa đổi bằng cách để phong trào thi đua theo các cấp, phong trào cấp bộ, ngành không kéo dài nữa mà gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn hơn.
Cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng là cần thiết để cán bộ, công nhân viên phấn đấu hết sức làm tròn nhiệm vụ của mình, ông Trần Văn Tám (Bộ Quốc phòng) kiến nghị việc xem xét khen thưởng không chỉ cho các lãnh đạo chỉ huy từ cấp trung đoàn trở lên mà còn nên xem xét cho các lãnh đạo cấp dưới như cấp tiểu đoàn, đại đội…
Đồng thời, ông Tám đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy trình thủ tục và thời gian phù hợp, khoa học hơn để đảm bảo quá trình khen thưởng nhanh gọn, hợp lý hơn. Tán thành ý kiến với ông Tám, đại diện Bộ Công an - bà Từ Thị Thu Hà cũng đề nghị Luật sửa đổi nên để bộ, ngành, địa phương được quyền thẩm định thành tích, bình xét thi đua, khen thưởng.
Để tránh công tác thi đua, khen thưởng mang tính hình thức và nhiều nơi còn chạy theo thành tích, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Hoàng Xuân Hoan cho rằng, việc bổ sung thêm một số các danh hiệu, huân chương dẫn đến tình trạng công tác thi đua, khen thưởng mang tính tràn lan, không xác đáng, đồng thời kiến nghị Luật nên giảm bớt, đơn giản hóa các trình tự thủ tục, hồ sơ. Liên quan đến việc bổ sung hình thức Huân chương Vì cộng đồng để tặng cho các cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác xã hội, từ thiện, ông Hoàn cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo nên xem xét kỹ lưỡng.
Cũng liên quan đến hình thức khen thưởng, nhiều đại biểu thống nhất đề nghị nên tham khảo thêm các bộ luật của nước ngoài để Luật được xây dựng chặt chẽ và sâu sắc hơn; xem xét về khen thưởng đối ngoại; cân nhắc bỏ Huy chương Hữu nghị và thay bằng việc phân cấp huy chương nhất, nhì, ba.
Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của đại diện các bộ, ngành, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo và nhận định Luật Thi đua, Khen thưởng đã giúp tạo động lực cho cán bộ, công nhân phấn đấu làm việc nhưng bên cạnh đó, quá trình thi hành Luật vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế.
Thứ trưởng cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo đề xuất phương hướng sửa đổi, khắc phục những tồn tại, hạn chế; rà soát lại Luật sửa đổi sao cho phù hợp với Nghị quyết của Đảng. Thứ trưởng cũng đề nghị có sự liên thông giữa Luật Thi đua, Khen thưởng với Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; gắn với cải cách thủ tục hành chính; xác định rõ tiêu chí để có sự đồng nhất về phân cấp…