Tiếp tục khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc
Theo ông Phạm Huy Giang, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, tham dự Đại hội có 2.300 đại biểu, trong đó có 2.020 đại biểu chính thức. Có 1.212 đại biểu điển hình tiên tiến xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, là người trực tiếp lao động sản xuất trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…
Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2020 – 2025; tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua; tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc; tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Đồng thời, Đại hội sẽ phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tiếp tục đẩy mạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ kêu gọi: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới theo Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Luật Thi đua - Khen thưởng.
Cổ vũ, lan tỏa những điển hình và nhân tố mới
Tại cuộc gặp gỡ báo chí, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền về Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X cho biết: Năm 1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, khi đó đất nước ta mới có 3 năm giành chính quyền, cuộc kháng chiến chống Pháp lúc đó rất cam go nên lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức đồng lòng giải phóng đất nước, làm nên nghiệp lớn.
Lịch sử mấy nghìn năm của đất nước ta có hai hào khí lớn, đó là hào khí Đông A thời nhà Trần và cuộc chiến đấu giải phóng đất nước trong chống Pháp và chống Mỹ.
“Có một thời thế giới phải khẳng định Việt Nam là tinh hoa, là khí phách, là lương tâm của thời đại. Bây giờ đến thời kỳ đổi mới, chúng ta có thể làm nên hào khí được hay không, điều đó đặt hết lên vai tất cả mọi người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng... Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay. Đó là công cuộc đổi mới có ý nghĩa lịch sử. Chúng ta mong muốn và quyết tâm để đạt mục tiêu mới trong thời đại ngày nay”- ông Lê Mạnh Hùng nói.
Theo ông Hùng, đây là thời điểm hết sức quan trọng khi chúng ta đang tiến hành đánh giá 35 năm đổi mới, trong đó có cả đánh giá về công tác thi đua khen thưởng để tạo nên quyết tâm mới, khí thế mới, nỗ lực mới.
Chân giá trị của một quốc gia không phải là điều gì to lớn, mà bắt nguồn từ mỗi người cán bộ, công chức, viên chức và người công dân bình thường để khẳng định một thương hiệu quốc gia. Trước đây, yêu nước trong thời kỳ chiến tranh là xả thân vì đất nước, nhưng bây giờ, yêu nước trước hết chúng ta phải làm tròn bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân.
“Như các đồng chí đã biết, chỉ một người sơ sẩy, không thực hiện cách ly y tế trong dịch Covid-19 đã làm khổ rất nhiều người, mất cả tiềm lực kinh tế, mất cả truy tìm dấu vết, mất cả điều tra, bao nhiêu cơ quan phải cách ly... Thế nên chân giá trị của mỗi con người sẽ làm nên chân giá trị của mỗi quốc gia”- ông Hùng bày tỏ.
Đại hội thi đua yêu nước lần này không chỉ là 5 năm mà gắn liền với 35 năm đổi mới. Theo ông Hùng, chủ đề của Đại hội là “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trước hết phải có tính kết nối cộng đồng, toàn dân tộc; thứ hai là phải có tư duy sáng tạo, cách làm sáng tạo thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp 4.0, thời kỳ cạnh tranh quyết liệt toàn cầu trong thế giới phẳng.
Nhấn mạnh đến vai trò của công tác thông tin, truyền thông, ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, thông tin không chỉ là nguồn lực mà còn là động lực. Do vậy vai trò của công tác thông tin, truyền thông rất quan trọng trong việc cổ vũ, lan tỏa những điển hình và nhân tố mới đến với mọi người dân để học tập, trao đổi và vươn lên.