Theo đó, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền ký tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung việc xây dựng nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
Các nội dung của chính sách trong đề cương dự thảo nghị quyết được xây dựng theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 34 chính sách cụ thể.
Nhóm 1 gồm chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng (8 chính sách).
Nhóm 2 gồm các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm (26 chính sách).
Trong đó, chính sách về quản lý đầu tư (4 chính sách); chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, hải quan (5 chính sách); chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường (6 chính sách); chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược (1 chính sách);
Chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); chính sách về tiền lương, thu nhập (2 chính sách).
Dự thảo đề xuất chính sách tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng kể từ ngày 1/7/2026.
Mục tiêu của chính sách là xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo sự linh hoạt, thông suốt trong quá trình vận hành, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố theo hướng năng động, sáng tạo trong thời kỳ mới.
Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại.
Dự thảo cũng đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Đà Nẵng.
Việc thành lập Sở này sẽ giúp Đà Nẵng triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm, tham gia giám sát, truy xuất nguồn gốc tại các chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ ngày càng được nâng cao, tăng chất lượng hàng hóa trên địa bàn.
Đồng thời, tập trung đầu mối thanh tra, kiểm tra thuận lợi cho người dân khi chỉ có một cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở với tần suất theo quy định.
Bên cạnh đó cũng tránh gây chồng chéo và tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của nhiều cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.