Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành Nghị quyết về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.
Theo Nghị quyết, sẽ thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Bình, TP HCM và Tiền Giang từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/12/2019.
Thường vụ Quốc hội khuyến khích các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác chủ động thực hiện thí điểm theo quy định tại Nghị quyết này.
Trường hợp đến hết ngày 31/12/2019 mà các luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa có hiệu lực pháp luật thì Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh ở những nơi thực hiện thí điểm tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi các luật sửa đổi, bổ sung các luật trên có hiệu lực thi hành.
Nghị quyết nêu rõ: Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND là cơ quan hành chính nhà nước tương đương cấp Sở, thuộc UBND cấp tỉnh, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND có Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng và các đơn vị trực thuộc. Số lượng Phó Chánh Văn phòng không vượt quá số lượng Lãnh đạo Văn phòng hiện có của Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất. Các địa phương xây dựng lộ trình để đến năm 2020 có số lượng Phó Chánh Văn phòng theo quy định chung.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn ĐBQH và Chủ tịch HĐND cùng cấp.
UBND cấp tỉnh sau khi thống nhất với Lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND cùng cấp quyết định việc thành lập các đơn vị trực thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND theo phương án: Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND có không quá 11 đơn vị, bao gồm: Phòng Công tác ĐBQH, Phòng Công tác HĐND, Phòng Kinh tế - Tài chính, Phòng Văn hóa - Xã hội, Phòng Nội chính - Pháp chế, Phòng Thư ký - Tổng hợp, Phòng Hành chính - Tổ chức, Phòng Quản trị - Tài vụ, Ban Tiếp công dân và các đơn vị khác do Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định thành lập theo yêu cầu của địa phương.
Đơn vị trực thuộc Văn phòng có Trưởng phòng và tương đương, các Phó trưởng phòng và tương đương. Số lượng Phó trưởng phòng và tương đương không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của các đơn vị trực thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất. Các địa phương xây dựng lộ trình để đến năm 2020 có số lượng Phó trưởng phòng và tương đương theo quy định chung.
Biên chế công chức của Văn phòng nằm trong tổng biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước của địa phương và không vượt quá tổng biên chế hiện có của Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất.
Kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND do Chánh Văn phòng làm chủ tài khoản, bao gồm: kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh được ngân sách địa phương bảo đảm theo phân bổ dự toán do HĐND cấp tỉnh quyết định...