Thiếu bảng báo hiệu, rào chắn
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (BATGT) tỉnh Bình Thuận, trong 9 tháng năm 2014, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xảy ra 536 vụ TNGT, làm 178 người chết, 451 người bị thương, trong đó có 106 nạn nhân thiệt mạng do TNGT trên tuyến QL.1A, đặc biệt địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Điều đáng nói là số vụ TNGT có chiều hướng gia tăng từ khi triển khai thi công mở rộng QL.1A, trong đó có 65 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 73 người.
Nguyên nhân, ngoài ý thức chủ quan của người tham gia giao thông, phần còn lại là do sự bất cập và những sai phạm của các đơn vị thi công trên tuyến đường này. Mặc dù UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo ATGT, đồng thời cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định khi thi công như: Dứt điểm từng đoạn một, cấm thi công hai bên đường cùng lúc để chống ùn tắc giao thông và bố trí chiều dài các mũi thi công hợp lý…
Thực hiện Quyết định số 48 của BATGT tỉnh Bình Thuận, mới đây, Đoàn công tác Liên ngành gồm: Đại diện BATGT Bình Thuận, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Phòng Cảnh sát Giao thông, Cục Quản lý Đường bộ IV tiến hành kiểm tra việc thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT của các nhà thầu trong quá trình thi công các dự án nâng cấp, mở rộng QL.1A qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt 14 trường hợp đơn vị thi công với tổng số tiền 240 triệu đồng với các lỗi chủ yếu là: Không bố trí các bảng báo hiệu, rào chắn theo quy định; thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường đi bộ và không thực hiện đúng quy định trong Giấy phép thi công.
Theo đó cho thấy, việc các nhà thầu thi công tuyến QL.1A với tiến độ “rùa” khiến QL.1A vốn đã hẹp nay lại càng hẹp hơn, có những đoạn đường một bên đào sâu, một bên ngổn ngang đá lởm chởm, nhiều chỗ không đủ cho hai xe ô tô tránh nhau, còn người đi xe máy chỉ bất cẩn một chút là bị trượt ngã. Nhất là vào ban đêm, thậm chí có những đoạn đơn vị thi công chỉ lập rào chắn và gắn biển báo nhưng không có đèn tín hiệu cảnh báo. Quá trình thi công, cuộc sống người dân cũng bị đảo lộn, ngoài việc phải chịu đựng bụi và tiếng ồn, nhiều nhà không có lối vào, nơi thì đường cống thoát nước cao hơn mặt đường cũ gần cả mét, nhất là những hộ kinh doanh phải đóng cửa khiến đời sống bị ảnh hưởng…
Tai nạn rình rập
Những bất cập trong việc thi công nâng cấp, mở rộng QL.1A trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, ngoài việc đảo lộn cuộc sống của không ít người dân đã dẫn đến số người thiệt mạng do TNGT có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua.
Trong buổi thị sát cùng Liên ngành kiểm tra tiến độ thi công tuyến QL.1A và giải phóng mặt bằng tại các huyện: Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong và TP.Phan Thiết, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Văn Tí cùng Đoàn công tác đã nghe nhiều ý kiến của chính quyền và người dân các địa phương về việc thu hồi đất để phục vụ thi công nâng cấp mở rộng tuyến QL.1A.
Một số người dân không bàn giao hết mặt bằng cho đơn vị thi công vì không đồng tình với phương pháp và biện pháp thi công của đơn vị thi công như: Thời gian kéo dài, gây nhiều bụi, khói làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, công việc buôn bán kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân…
Được biết, một số địa phương vẫn còn khó khăn về bàn giao mặt bằng như: TP.Phan Thiết còn 7 hộ, Hàm Thuận Bắc 10 hộ, Tuy Phong 11 hộ và nhất là tại huyện Bắc Bình còn 100 hộ đến nay chưa bàn giao mặt bằng vì chưa thống nhất mức đền bù và còn nhiều hộ chưa nhận được tiền đền bù…?
Trước thực trạng trên, ông Huỳnh Văn Tí đã yêu cầu các đơn vị thi công phải thực hiện cam kết như đã thống nhất, đẩy nhanh tiến độ thi công, chú ý đảm bảo vệ sinh môi trường để tạo thuận lợi cho việc làm ăn, mua bán của người dân; đồng thời cần lắp đặt các biển báo đúng theo quy định để đảm bảo cho các phương tiện tham gia giao thông, ngoài ra chính quyền địa phương và các cơ quan, ngành chức năng cần rà soát lại các trường hợp vướng mắc cụ thể có liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ để giải quyết kịp thời, tạo thuận lợi cho người dân ổn định cuộc sống.