“Thánh địa” nhà Trần
Sử sách ghi lại: “Tổ tiền nhà Trần ở cư ngụ ở xã An Sinh, nhiều người làm nghề chài lưới sau này mới chuyển xuốngxã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, cho nên các vị đế vương của triều Trần đều đưa về án táng ở xã An Sinh. Nay ngôi miếu cổ ở xã An Sinh, tổng Mễ Sơn thờ 8 vị hoàng đế của triều Trần, lăng tẩm trong núi đều nằm ở xã này…”
Từ quốc lộ 18, con đường nhựa thẳng tắp băng qua những cánh đồng lúa mênh mông dẫn du khách tới đền An Sinh, đây là một phần quan trọng trong tổng thể di tích nhà Trần tại Đông Triều.
Đền An Sinh với không gian rộng rãi, thoáng đãng |
Đền An Sinh là nơi thờ bát vị Hoàng đế triều Trần cùng với An Sinh vương Trần Liễu, Thiên đạo Quốc mẫu phu nhân và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Đền có không gian thoáng đãng, trước mặt là cánh đồng lúa mênh mông, xa xa là dãy An Phụ được coi như bức án quanh năm mây phủ che chắn bảo vệ.Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát không gian tĩnh mịch, yên ả.
Trước đền có 8 cây vạn tuế tượng trưng cho sự vĩnh hằng của 8 vị vua Trần được thờ tại đây; xung quanh có 14 cây đại tượng trưng cho 14 đời vua Trần. Thế hệ con cháu có thể cảm nhận được hào khí Đông A hừng hực thủa nào qua hai câu đối khí phách tại tiền đường: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (được dịch là: “Đất nước hai phen chồn ngựa đá – non sông ngàn thủa vững âu vàng”).
Các loại chân đá kê cột thời Trần tại Đền An Sinh |
Cách đền An Sinh không xa là Thái miếu nhà Trần. Đây là nơi thờ tổ tiên và các vị vua nhà Trần. Thái miếu tọa lạc trên ngọn đồi thấp có tên Đồi Đình, nằm dài theo chiều Bắc Nam, mặt quay chính Nam. Địa thế phía sau có đỉnh núi Vây Rồng chót vót, có am Ngọa Vân làm hậu chẩm, suối phủ Am Trà chảy từ phía Đông sang phía Tây, minh đường phía trước có 2 giếng mắt rồng tụ thủy là nơi vô cùng đắc địa về phong thủy.
Am Ngọa Vân |
Đi sâu vào những cánh rừng, dấu tích của một triều đại càng hiện hữu. Du khách sẽ lần lượt tham quan7 lăng mộ cho 11 vị tiên đế gồm: Lăng Tư Phúc, Thái Lăng, Mục Lăng, Ngải Sơn lăng, Phụ Sơn Lăng, Đồng Hỷ Lăng, Nguyên Lăng. Cùng với đó là những công trình tín ngưỡng, tôn giáo linh thiêng khác có liên quan tới triều Trần như: chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên, Trung Tiết…
Ngọa Vân, nơi nhà Vua hóa Phật
Theo dấu chân tiền nhân, từ đền An Sinh du khách đi qua khu lăng mộ hồ Trại Lốc rồi men theo dòng suối Phủ Am Trà theo tìm về đỉnh Ngọa Vân. Nếu Yên Tử được biết đến là nơi vua Trần Nhân Tông chọn để chùa tu hành xây dựng nên dòng Thiền Trúc Lâm, thì Ngọa Vân là nơi Người chọn để nhập cõi niết bàn.
Ngọa Vân vốn là tên một đỉnh núi nằm trên núi Bảo Đài. Do nằm trên vòng cung Đông Triều, phía Bắc được che chắn bởi dãy núi Vây Rồng nên hơi ẩm từ biển thổi vào bị núi chặn lại ngưng tụ thành mây, khiến cho sườn phía Nam của núi trong đó có đỉnh Ngọa Vân quanh năm mây phủ, tạo nên khung cảnh mờ ảo, huyền bí. Vì vậy nơi đây được gọi là Ngọa Vân nghĩa là “mây nằm”.
Giếng Mắt rồng trước Thái miếu |
Đây là nơi vua Trần Nhân Tông sau những chiến thắng lẫy lừng giữ yên bờ cõi, xây dựng một trong những triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đã dành những năm tháng còn lại của mình một màu áo nâu sòng để tu hành, cứu nhân độ thế. Cuối cùng, Người đã chọn Ngọa Vân am để hóa Phật. Vì thế Ngọa Vân được xem là “thánh địa của nhà Trần”, “thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm” cũng là điểm đến linh thiêng nhất trong chuyến hành hương về với các di sản nhà Trần ở Đông Triều.
Khách tới thăm Am Ngọa Vân |
Đặc biệt, ai đã từng đến Ngọa Vân đều phải lên tới đỉnh Bảo Đài Sơn để dâng hương tại Phật hoàng Tháp – nơi đặt xá lị của Người, chiêm ngưỡng giấc ngủ an nhiên tĩnh tại của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong một am nhỏ đặt trên một phiến đá lớn.Trên đỉnh Ngọa Vân,du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên trong xanh huyền bí của núi rừng, trải nghiệm không gian tĩnh mịch của cõi Phật,cảm nhận từng làn gió thổi dịu nhẹ, thả mình giữa mênh mông để bao muộn phiền được xua tan, chỉ còn lại sự thư thái, nhẹ nhõm.Đó là lúc ta được trở về với tất cả những gì đẹp đẽ, nguyên sơ nhất trong tâm hồn, món quà mà đất Phật Ngọa Vân ban tặng cho mỗi người.
Với ý nghĩa văn hóa tâm linh tiêu biểu, đặc sắc, Quần thể các di tích nhà Trần tại Đông Triều (thuộc 4 xã An Sinh, Bình Khê, Thủy An và Tràng An) đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, trở thành điểm du lịch văn hóa, sinh thái ấn tượng cho du khách khi đến Quảng Ninh.