[links()]Mỗi ngày hàng trăm con trâu, bò được người dân địa phương sang Lào mua về qua đường cửa khẩu Nậm Cắn (xã Nậm Căn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) một cách công khai. Điều đáng nói, việc làm này đang diễn ra gần như công khai nhưng không hề thấy bóng dáng cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
|
Bò được tập kết trước khi vượt biên |
Mỗi ngày hàng trăm trâu bò vượt biên
Từ trung tâm huyện Kỳ Sơn, chúng tôi phải vượt gần 20 km nữa qua những con dốc quanh co hiểm trở của những dãy núi cao ngút. Xuất phát từ lúc 7 giờ sáng khi đến gần trung tâm UBND xã Nậm Cắn thì chúng tôi phải dừng lại không thể xuyên qua lớp sương mù dày đặc làm cho cảnh vật nơi đây trở nên hoang sơ, lạnh lẽo. Ở đây trung bình mỗi ngày có tới hàng trăm con trâu bò được người dân địa phương sang Lào mua về qua đường biên giáp cửa khẩu Nậm Cắn, đó là những gì chúng tôi ghi nhận được ngay tại nơi này.
Lân la mãi chúng tôi mới có thể làm quen được Lý A Sầu, Sầu là người gốc của bản Pốc, cũng là người có thâm niên trong việc sang Lào mua bò về bán cho thương lái xuôi lên. Theo Sầu, người dân ở bản Trường Sơn, bản Huếch Pốc quanh khu vực cửa khẩu này đều dựa vào bò Lào để sống. Nhà có ít vốn thì qua cửa khẩu mua bò về, còn không đi dắt bò thuê cũng kiếm được bội tiền mà chẳng tốn mấy công sức.
Nghề dắt trâu bò đang là nghề “hót” có thể nói là kiếm được rất nhiều tiền mà chẳng phải bỏ một đồng vốn nào. Cái nghề dễ “hốt bạc” như vậy lẽ ra phải tìm việc rất khó, nhưng ở xã Nậm Cắn lại đang thiếu người làm một cách trầm trọng. Từ người già đến trẻ con bất cứ ai ngồi không ở nhà là ngay lập tức có người đến lùng sục đưa đi ngay.
Theo Sầu, hiện tại quanh khu vực cửa khẩu có đến cả trăm hộ làm nghề này. Trung bình mỗi ngày có đến cả trăm con trâu bò vượt biên từ Lào về Việt Nam tiêu thụ. Nóng hơn vẫn là những ngày giáp tết, số trâu bò được đưa về tăng lên theo cấp số nhân. “Chỉ trong buổi sáng, một lái buôn có vốn lớn và đội quân dắt thuê hùng hậu có thể gom được cả trăm con chứ chẳng chơi”, anh Sầu nói.
Anh Sầu chỉ cho chúng tôi xem như minh chứng, dọc hai bên đường quốc lộ QL7 cách cửa khẩu Nậm Cắn khoảng 5 km, đâu đâu chúng tôi cũng thấy trâu bò được tập kết hai bên đường. Thỉnh thoảng lại có người tay túm hàng chục chiếc dây thừng kéo bò đi nghênh ngang trên đường về nơi tập kết.
Ngồi nghỉ ở nơi tập kết bên hàng chục con bò, A Sầu không hề giấu giếm khi chúng tôi hỏi bò nhà mình nuôi hả? Sầu đáp: tất cả bò ở hai bên đường toàn đưa từ bên Lào về. Ở đây bò mua về không kịp cho lái buôn lên lấy nên chẳng có đâu mà nuôi. Ai lên đây mua bò thì không sợ thiếu bò, ngược lại có tiền để lấy hay không thôi.
Chỉ cần có tiền buổi sáng đến chiều là lập tức có bò cho khách. Sở dĩ Sầu khẳng định chắc chắn như vậy bởi quãng đường từ Việt Nam sang Lào chỉ mất vài ba cây số đường rừng, qua bên đó trâu bò của người dân Lào cột la liệt ngoài đường, mình ưng con nào trả tiền dắt về là được. Những người dắt bò như Sầu, để qua mặt được các cơ quan chức năng toàn phải đi tắt qua biên giới bằng hai đường cánh gà của cửa khẩu Nậm Cắn, họ coi đây là con đường an toàn nhất mà không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Trung bình một con trâu, bò mua từ bên Lào có giá 10-15 triệu đồng, nặng từ 80-100kg. Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe đến tập kết chở hàng, mỗi xe chở ít cũng được 15-20 con, xe lớn chở lên đến 30-40 con. Ở đây trâu bò được chuyển từ Lào sang Việt Nam qua rất nhiều loại hình, nhưng chủ yếu nhất vẫn là hình thức dắt thuê. Mỗi con trâu bò dắt về tới nơi tập kết chủ nậu trả cho 80.000-120.000 đồng/con.
Người có thâm niên như Sầu cao điểm những ngày giáp tết có ngày anh dắt được cả 50 con trâu, bò qua đường biên. Cũng nhờ có “cái nghề” này mà người dân trong xã Nậm Cắn cũng khấm khá hơn rất nhiều.
Trâu bò qua biên là có chủ
Ông Lầu Ga Long, trưởng bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn cho biết, xã Nậm Cắn có 6 bản nhưng có đến 4 bản là người Mông làm nghề buôn trâu bò. Riêng bản Trường Sơn có 216 hộ thì chiếm đến 30% số hộ buôn bán lớn, hay còn gọi là “chủ nậu”, như gia đình Lầu Và Sình, Lầu Trung Sình, Sùng Trung Mùa….
Còn lại gần 100% số dân trong xã làm nghề buôn bán trâu bò nhỏ lẻ theo hình thức mỗi gia đình mua một vài hai con về nhà nuôi vỗ béo sau đó bán lại cho "chủ nậu".
|
Người dân ngang nhiên dắt trâu bò trên đường |
Trong vai người đi mua bò, chúng tôi làm quen được "chủ nậu" tên Nguyễn Văn Tuấn, Tuấn là người gốc Đô Lương, gần chục năm làm nghề gom trâu bò ở vùng biên này nên anh rất sành sỏi, hiện tại ở khu vực cửa khẩu này có tới gần 50 "chủ nậu", chủ yếu vẫn là người dưới xuôi lên.
Để gom được trâu bò thường xuyên, thông thường các chủ nậu như Tuấn đã có mối sẵn ở bên Lào. Thời gian đầu các "chủ nậu" còn phải qua cửa khẩu để chọn bò, giao dịch với đối tác bên kia. Xong một vài lần ai quen khách nấy thì chỉ giao dịch với nhau qua điện thoại mỗi khi sang chọn, lấy hàng.
Thông thường hai bên giao kèo cũng rất chặt chẽ, nhưng chủ yếu vẫn là thoả thuận mồm với nhau. Phía bên Lào khi đồng ý bán bò thì phải có trách nhiệm đưa bò tới đường biên giới. Trong quá trình vận chuyển nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ, nộp phạt… thì phía bên Lào phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Ngược lại, khi trâu bò đã được đưa tới đường biên giới giao cho khách hàng bên phía Việt Nam mà bị bắt, hoặc trâu bò bị chết thì bên phía mình phải chịu, không được đòi bồi thường lại. Khi trâu bò về tới đường biên, "chủ nậu" chỉ có việc thuê người dắt về và ghi rõ tên của "chủ nậu" lên lưng con bò đó là được.
Từ ngày làm nghề “đi bò” vượt biên, Tuấn chưa một lần anh bị lực lượng chức năng “sờ” gáy. Chủ nậu thường là người dưới Vinh lên, nhưng chủ yếu vẫn là người dân huyện Đô Lương lên mua. Ở Đô Lương có một chợ trâu bò lớn nhất khu vực miền Trung, luôn cung cấp trâu bò cho các tỉnh phía Bắc. Hầu hết trâu bò ở các nơi đều được tập kết ở đây, sau đó được các chủ lò mổ lên mua về. Một số làm ăn lâu rồi nên có mối trở đi các tỉnh ra Hà Nội, vào Thành phố HCM là chủ yếu.
Đủ “chiêu” dịch vụ
Bằng câu làm quen xã giao của người bán trâu bò chuyên nghiệp, bạn hỏi tôi mua bao nhiêu con?. Tôi trả lời, mua khoảng chục con, cuối tháng xây xong lò mổ là đưa bò về. Để tin tưởng nhau của chuyến giao dịch, Bạn nói bất kể ai lên đây mua trâu bò cũng phải đặt cọc trước 500.000-1.000.000 đồng/con, khi đó anh thích mấy con cũng được. Bất kể thời gian nào anh cần có bò là chúng tôi có cho anh.
Anh Bạn cho biết, cửa khẩu Nậm Cắn là nơi cung cấp trâu bò lớn nhất miền Trung. Tuy nhiên, bò lấy về con nào hết con đó, nhưng với Bạn thì khi nào cũng có sẵn hàng, vì có Bạn có rất nhiều bạn hàng bên Lào thân thiết nên bất cứ khi nào khách cần là có. Đang nói chuyện với chúng tôi, anh Bạn đưa tay chỉ về phía bãi ven đường nói: “Anh xem, ngày nào ở đây cũng có cả chục xe tải lớn nhỏ đến chở trâu bò đó, thế mà chúng tôi lúc nào cũng có sẵn trâu bò nhập cho họ là anh tin rồi chứ”.
Sau màn mời chào thành công, Bạn đưa ra một cuốn sổ nhỏ như bàn tay bảo tôi viết vào sổ với nội dung mua bao nhiêu con bò, đã đặt cọc bao nhiêu tiền, khi nào lấy là được... Tôi ra điều kiện, nếu đi sang Lào mua bò phải cho tôi đi theo để chọn, ngay lập tức anh Bạn gạt phăng đi rồi nói: “không được đâu”. Bạn lấy lý do là phải đi qua cửa khẩu nên chỉ có dân Mông (người địa phương) mới đi được thôi vì bọn tôi hiểu tiếng. Với lại phải chèo rừng, lội suối, nhiều muỗi vắt nên không thể đi được.
Quyết định không mua bò của Bạn, chúng tôi lại đi sang một nơi tập kết trâu bò khác gần đó. Vừa vào tới nơi, câu đầu tiên mà chúng tôi được nghe cũng là những câu tương tự như chủ hàng trước vừa nói. Điều đặc biệt, ông chủ hàng này còn giới thiệu luôn về việc kiểm dịch thì không phải lo rồi.
“Tôi đã làm nghề này gần chục năm nhưng chưa khi nào thấy có người đến kiểm dịch gì cả, với lại khi mua trâu bò bên Lào về đã được kiểm dịch kỹ càng từ bên đó rồi. Về tới đây chỉ cần có giấy thoả thuận bán bò của hai bên, sau đó mang ra xã đóng dấu là có thể chở trâu bò đi bất cứ chỗ nào mà không sợ bị bắt”, anh Sùng Trung Dính, một chủ nậu cho biết. Nói xong Dính nói ngay, anh có quyết định lấy bò không để tôi còn làm thủ tục luôn. Không lấy bây giờ khoảng đầu giờ chiều chủ nậu dưới xuôi lên gom hết là không có hàng đâu.
Ở đây hầu hết bãi tập kết nào cũng được phân ra thành ba loại trâu bò. Loại 1 có giá từ 17 triệu đến 20 triệu đồng/ con, loại 2 có giá từ 15 triệu đến 17 triệu đồng/con, loại 3 có giá từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/con, anh thích loại nào tôi lấy cho loại đó.
Lâm Nguyên