Chiều 12/11, với 466/469 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,39%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021.
Một trong những sửa đổi, bổ sung đáng chú ý là Luật quy định Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.”.
Chiều cùng ngày, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Tỷ lệ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. |
Cụ thể, với 462/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,59%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Đáng chú ý, về sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, căn cứ vào thực tiễn thống kê cũng như thông lệ thống kê quốc tế, việc quy định 5 năm thực hiện rà soát về việc đánh giá lại quy mô GDP là phù hợp, cần thiết.
Tổng điều tra kinh tế sẽ được thực hiện theo kỳ 5 năm một lần, sau khi có kết quả Tổng điều tra kinh tế sẽ là thời điểm thích hợp để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát quy mô GDP. Các giai đoạn rà soát, đánh giá lại quy mô GDP sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu sau khi Luật được Quốc hội thông qua. Trên cơ sở kết quả rà soát, cơ quan chức năng sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đánh giá lại hay không đánh giá lại.