Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh cho phép các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo hoạt động trở lại. Ngoài ra, dịch vụ du lịch và các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, pub, rạp chiếu phim được mở cửa đón khách. Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh được phục hồi.
Tuy nhiên, vẫn phải tiếp tục duy trì nghiêm quy trình, biện pháp phòng dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới khi đưa, đón khách tham quan. Địa phương cũng mở lại các hoạt động du lịch, khuyến khích thu hút khách du lịch nội tỉnh, khách từ các tỉnh trong cả nước, ngoại trừ các tỉnh giáp ranh đang là tâm điểm của dịch Covid-19.
Cùng ngày, tỉnh Bình Thuận cũng có thông báo về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, các hoạt động lễ hội, lễ nghi tôn giáo, hội chợ, hội nghị, hội thảo, hội thao... được phép tổ chức trở lại nhưng phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch; chú trọng đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm Covid-19 tại hộ gia đình, tại trường học, trên phương tiện giao thông công cộng, trong các cuộc họp…
Tỉnh Thái Bình cũng chính thức cho phép các di tích, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh mở cửa trở lại từ 7h ngày 10/3. Tuy nhiên, không được tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người. Tương tự, tỉnh Hưng Yên cũng ban hành công văn về việc tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới vào ngày 10/3 nhưng phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh…
Ngày 11/3, Đoàn Kiểm tra liên ngành công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP Hà Nội năm 2021 đã kiểm tra công tác chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng các điều kiện đón khách tham quan khi mở cửa trở lại khu di tích - danh thắng Hương Sơn (chùa Hương).
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho ngày mở cửa (13/3) đã cơ bản hoàn thành. Ban Quản lý di tích - danh thắng Hương Sơn đã tăng cường lực lượng hướng dẫn, giám sát du khách thực hiện nghiêm thông điệp 5K; hoàn thiện hệ thống quét mã QR code cũng như bố trí các điều kiện phục vụ công tác phòng, chống dịch tại các điểm chốt; bố trí 2 phòng cách ly y tế dự phòng để làm nơi khai báo y tế chi tiết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ: Sốt, ho, mệt mỏi có yếu tố dịch tễ...
Các dịch vụ hàng quán, cơ sở lưu trú phải thường xuyên khử khuẩn; tổ chức đặt, để bàn ăn giãn cách, có vách chắn, thu thập thông tin khách lưu trú... Cáp treo, thuyền, đò giảm số người vận chuyển... Trong trường hợp phát hiện ca nghi ngờ, chủ động tiến hành cách ly y tế tại phòng cách ly ở Trạm Y tế xã Đốc Tín và xã Hùng Tiến (cách khoảng 1km).
Tại buổi kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá cao sự nỗ lực, nghiêm túc của huyện Mỹ Đức trong việc triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ về dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho địa phương và du khách.
Đoàn kiểm tra yêu cầu tiếp tục rà soát phương án, triển khai cụ thể, đồng bộ, trong đó áp dụng phương án diễn tập trong quốc phòng vào công tác triển khai lễ hội, để chủ động giải pháp xử lý các tình huống phát sinh; thống nhất nội dung, hình thức tuyên truyền trong toàn bộ khu vực di tích, để đồng bộ và tăng hiệu quả nhận diện; giảm thời gian hành lễ, chuẩn bị bàn khai báo y tế phục vụ bộ phận khách không có thiết bị điện thoại thông minh...