Xuất khẩu hàng trăm triệu USD qua hệ thống phân phối quốc tế
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết từ nhiều năm nay, các tập đoàn phân phối nước ngoài như: Walmart, Aeon, Lotte, Central Group, Mega Market… đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương cùng một số địa phương để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng Việt Nam trong hệ thống của họ ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các bên còn hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp (DN) cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.
Ông Shibata Eiji, đại diện AEON Việt Nam cho biết, hiện AEON đang có gần 2.700 nhà cung ứng hàng hóa tại Việt Nam, phục vụ cho việc bán hàng tại Việt Nam cũng như đưa hàng sang hệ thống bán lẻ của tập đoàn này tại Nhật Bản.
Siêu thị AEON đang XK 250 triệu USD/năm giá trị hàng hóa của Việt Nam, thông qua thương hiệu Top Value. Trong 6 tháng đầu năm 2020, AEON đã XK 268 triệu USD hàng hóa Việt Nam. Dự kiến năm nay, AEON sẽ đạt kim ngạch 500 triệu USD theo đúng cam kết của AEON. Dự kiến còn số này đến năm 2025 là 1 tỷ USD.
Tương tự, với tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối hiện đạt khoảng 90%, Mega Market kỳ vọng tăng sản lượng hàng hóa Việt Nam gấp đôi về quy mô và XK thông qua cam kết hợp tác cùng Bộ Công Thương hỗ trợ, kết nối các DN, nhà sản xuất Việt Nam trong thời gian tới. Đáng chú ý, Mega Market cũng hướng tới việc đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới, gần nhất là Thái Lan.
Năm 2018 là năm đầu tiên Mega Market Việt Nam chính thức XK nông sản Việt sang thị trường Thái Lan. Đến năm 2019, Tập đoàn này đã tăng sản lượng XK lên gấp đôi, khoảng 200 tấn/tháng. Mặt hàng nông sản Việt được Mega Market XK sang Thái Lan và các thị trường khác trong khu vực gồm cá tra đông lạnh, mực, vú sữa, bưởi hồng da xanh, thanh long.
Bà Trần Thu Nga, Giám đốc đối ngoại Mega Market khẳng định, với lợi thế hệ thống trên 45 khách sạn của Tập đoàn TCC và hệ thống trên 1000 cửa hàng lớn nhỏ của Công ty Big C tại Thái Lan, hàng hóa Việt Nam hứa hẹn có đầu ra bảo đảm nếu có chất lượng và giá thành cạnh tranh. Ngoài ra, bình quân mỗi năm Tập đoàn Central Group XK 46 triệu USD hàng hóa Việt Nam trở lên, con số này đang tiếp tục tăng trưởng.
Thúc đẩy phát triển hàng Việt ra thế giới
Gần đây nhất, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới WalMart (trụ sở tại Mỹ) cũng đã đến Việt Nam tìm nhà cung ứng hàng hóa. Ông Johnny Fung, Giám đốc của Tập đoàn WalMart cho biết trong một cuộc họp với Bộ Công Thương Việt Nam, trong thời gian tới, do nhu cầu mở rộng nguồn cung để đáp ứng tốc độ tăng trưởng mạng lưới phân phối trên toàn cầu nên WalMart có kế hoạch mở rộng sự hiện diện của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong toàn hệ thống.
Các mặt hàng tìm nhà cung ứng tại Việt Nam trước mắt sẽ là các sản phẩm thủy sản, thực phẩm, đồ nội thất, đồ gia dụng, đồ chơi... Đây không phải là lần đầu tiên WalMart tìm kiếm đối tác cung cấp hàng hóa từ Việt Nam bởi trước đây, Tập đoàn này đã từng tổ chức các sự kiện kết nối nhà cung ứng tại Việt Nam để cung cấp hàng cho hệ thống bán lẻ của hãng trên toàn cầu.
Trong cuộc tập huấn kết nối DN vào chuỗi cung cấp của các tập đoàn phân phối lớn mới đây, Giám đốc Warlmat tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam là thị trường chiến lược của Walmart. Lượng hàng hóa XK từ Việt Nam đi các cửa hàng chi nhánh của Walmart trên thế giới đã tăng lên đáng kể chỉ sau 1 năm Walmart đặt văn phòng tại Việt Nam.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường Việt Nam thu hút ngày càng nhiều tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài tham gia, trong đó có WalMart. Dù kinh doanh theo hình thức tìm nguồn cung ứng hàng hóa hay đầu tư trực tiếp để phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam thì các tập đoàn đã góp phần thúc đẩy phát triển hàng hóa Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của các tập đoàn phân phối quốc tế, hàng hóa Việt Nam cần phải cải thiện nhiều để có thể chinh phục được thị trường thế giới. Trước mắt phải đa dạng hóa sản phẩm để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn đến từ Việt Nam hơn.
Ví dụ, theo đại diện AEON, dù đã XK hàng trăm triệu USD qua hệ thống bán lẻ của AEON nhưng mặt hàng Việt Nam XK ra nước ngoài chưa đa dạng khi hàng dệt may chiếm đến 70% lượng hàng Việt Nam XK.
Ngoài ra, còn nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng XK như quả xoài. Tuy nhiên, dù xoài Việt Nam có chất lượng rất tốt nhưng khi đưa sang Nhật Bản không thể cạnh tranh về giá với xoài của Pakistan, Thái Lan, Philippines.