Chia sẻ trên tờ Công an nhân dân, TS.BS Phan Tứ Quí - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM xác nhận, khoa đã tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhi A.N. (Nam, 12 tuổi, ngụ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) mắc bạch hầu ác tính. Dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng bệnh nhi vẫn tử vong.
Ngày 13/9, bệnh nhi được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày thứ 7 của bệnh, trong tình trạng rối loạn nhịp tim, suy tim, men tim cao. Khai thác tiền sử, bệnh nhi chưa tiêm ngừa vaccine bạch hầu.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bệnh nhi nhanh chóng được đặt máy tạo nhịp, dùng thuốc vận mạch. Trong lúc các bác sĩ hội chẩn xem xét cho bệnh nhân dùng ECMO thì bé tử vong lúc 13 giờ 55 ngày 14/9, thông tin trên tờ Phụ nữ Việt Nam.
Cũng theo BS Phan Tứ Quí, đây là ca mắc bệnh bạch hầu ác tính, có biến chứng tử vong tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM từ tháng 6 đến nay. Tất cả bệnh nhân này đều có thời gian điều trị tại bệnh viện địa phương và chưa tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Ghi nhận tại khoa hồi sức tích cực chống độc trẻ em của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cùng ngày 14/9, bệnh nhi A.P. đang nằm điều trị tại đây với chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu với nhiều biến chứng. Rất may sau 2 tháng nằm điều trị, bệnh nhi đã nhận thức, phản xạ tốt.
Bệnh nhi được điều trị nội khoa, dùng thuốc vận mạch. Việc điều trị khá khó khăn. Sau một tháng, bệnh nhi ổn định nhưng lại xuất hiện biến chứng thần kinh (liệt chân tay, cơ hô hấp), phải thở máy.
Vào sáng 14/9, bệnh nhi được cai máy thở, phản xạ và nhận thức tốt. Nếu bệnh tiến triển tốt các bác sĩ sẽ cho bệnh nhi xuất viện sau khoảng 2 tuần tới.
Qua tình hình trên, theo lời khuyến cáo của các bác sĩ, ghi nhận nhiều ca mắc bệnh bạch hầu thể ác tính, gây biến chứng nguy hiểm, nên các phụ huynh cần đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ và đúng lịch, khi phát bệnh cần khẩn trương đưa con tới cơ sở y tế để được thăm khám chính xác và cấp cứu kịp thời.