Không triệu tập chủ tài khoản và không xem xét nguồn gốc số tiền 1.764 tỷ
Ngày 4/12, phiên tòa phúc thẩm vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên) kết thúc phần tranh luận.
Nêu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM đề nghị toà không chấp nhận kháng cáo của ông Vũ, chấp nhận một phần kháng cáo của bà Thảo; phần bản án liên quan đến tranh chấp về tài sản chuyển hồ sơ cho TAND TP HCM xét xử lại.
Trong kiến nghị hôm nay, Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TPHCM về số tiền 1764 tỉ mà các luật sư phía ông Vũ từng đề cập, Viện Kiểm sát đã chấp nhận kháng cáo của bà Thảo.
Theo đó, số tiền này, như tại phiên toà sơ thẩm bà Thảo đã khai rõ, “không phải là tài sản riêng của bà và cũng không phải là tài sản chung của vợ chồng”. Và số tiền này bằng '0' tại thời điểm xét xử.
Tại phiên phúc thẩm, ngay trong phần thủ tục đầu tiên, bà Thảo đã yêu cầu HĐXX triệu tập ông Lê Hoàng Văn - người đứng tên chủ tài khoản này - nhưng không được chấp nhận.
Trong phần tranh tụng sau đó, một lần nữa bà Thảo khẳng định lại: đây không phải là tài sản riêng của mình và cũng không phải là tài sản chung của vợ chồng, đồng thời bà đã nộp các chứng cứ cụ thể, các tài liệu xác minh của toà sơ thẩm thể hiện số tiền này đứng tên chủ tài khoản là ông Lê Hoàng Văn. Nhưng một lần nữa, HĐXX phúc thẩm vẫn không xem xét vấn đề này trong quá trình tranh tụng, có khả năng vẫn quyết định phân chia một cách vô căn cứ, không đúng các quy định của pháp luật.
Không triệu tập Công ty Thẩm định Giá Sài Gòn
Trong yêu cầu của mình, bà Thảo cũng đề nghị triệu tập Công ty Thẩm định Giá Sài Gòn – là đơn vị giám định tài sản tại Trung Nguyên để làm rõ những nội dung liên quan đến phân chia tài sản. Nhưng yêu cầu này cũng không được chấp nhận.
Bà Thảo khẳng định, không bao giờ chấp nhận việc tòa án tự quyết định việc quy đổi số cổ phần của bà tại Trung Nguyên rồi trả bằng tiền. Không thể có một án lệ nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp, tước đi quyền lợi hợp pháp của một doanh nhân như bà, tại một quốc gia đang muốn thu hút các nhà đầu tư như Việt Nam.
Việc không tống đạt Quyết định 05 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành tư pháp Việt Nam
Cuối phiên xét xử ngày 4/12, dù ông Vũ đã công nhận quyền sở hữu và quản lý của bà Thảo đối với công ty Trung Nguyên International Ptd Ltd (Singapore), nhưng việc không tống đạt Quyết định 05 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM cho bà Diệp Thảo, và việc Tòa án nhân dân TP.HCM không đưa Quyết định này vào hệ thống chứng cứ của vụ án đã phát sinh hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến sai phạm rất lớn trong bản án ly hôn sơ thẩm.
Bà Diệp Thảo và các luật sư của bà đã không tiếp cận được chứng cứ này để tranh tụng tại phiên tòa, và Hội đồng xét xử đã ban hành bản án ly hôn sơ thẩm liên quan đến nội dung trên không đúng pháp luật.
Luật sư Phạm Công Hùng nhận định có thể Quyết định 05 đã bị “ém” tại Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM ngay khi được ban hành. Vì Tòa án nhân dân TP.HCM đã trả lời bằng văn bản là không nhận được Quyết định này.
Đây là một sai phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng, cho thấy dấu hiệu che giấu, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án suốt 2 năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của các doanh nhân đối với của ngành tư pháp Việt Nam.
Luật sư Hùng một lần nữa đề nghị với các lãnh đạo của Tòa án và Viện kiểm sát xem xét và xử lý hành vi sai trái của những người có thẩm quyền trong việc phát hành Quyết định 05 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, khi hành vi này xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan tư pháp, xâm phạm đến công cuộc cải cách tư pháp đang được Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện.
Trước đó, ngày 24/6/2019, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có đơn gửi đến Cơ quan Điều tra – Viện kiểm sát nhân dân Tối Cao để tố giác về hành vi cố tình làm sai lệch của vụ án đối với Bản án ly hôn sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019.
HĐXX sẽ tuyên án vào 14h ngày 5/12.