Liên tiếp thực hiện thành công 3 ca ghép thận chỉ trong 1 tuần
Chỉ từ ngày 8/9 - 13/9, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận từ người cho sống cùng huyết thống và làm chủ được kỹ thuật ghép thận được hướng dẫn đào tạo chuyển giao từ các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103.
Bệnh nhân nam P.T.H (24 tuổi, ở Nam Định) vừa được ghép thận từ người cho sống là mẹ đẻ. Bệnh nhân phát hiện bị viêm cầu thận năm 17 tuổi và phải chạy thận trong 3 năm gần đây.
Mỗi tuần, bệnh nhân phải chạy thận 3 lần tại Bệnh viện Quân y 354. Tuy nhiên, sau nhiều lần phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai do bệnh tiến triển nặng, chân không đi được, khó thở, phải truyền máu nên một năm trở lại đây, mẹ của bệnh nhân phải lên Hà Nội để chăm con và làm thêm để có tiền cho con tiếp tục chạy thận.
Mẹ của bệnh nhân P.T.H đã quyết định hiến 1 quả thận cho con trai của mình. Ca lấy và ghép thận của mẹ con bệnh nhân P.T.H đã được triển khai cách đây 2 tuần tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Hiện tại, sức khoẻ của 2 mẹ con hoàn toàn khoẻ mạnh.
Trước đó, một nữ bệnh nhân 26 tuổi (ở Tuyên Quang) cũng đã được ghép thận thành công tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Thận được ghép cho bệnh nhân cũng được hiến từ mẹ đẻ. Đây là bệnh nhân đầu tiên được ghép thận cùng huyết thống tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Một bệnh nhân khác 19 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hoá cũng phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất đối với bệnh nhân tại thời điểm đó là ghép thận. Sau khi làm các xét nghiệm sàng lọc người hiến thận từ các thành viên trong gia đình, các bác sĩ kết luận, thận của mẹ đẻ phù hợp để ghép cho bệnh nhân. Đến ngày 11/9, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiến hành phẫu thuật ghép thận cho cặp ghép của 2 mẹ con.
Đây là 3 ca ghép thận đầu tiên và thành công tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội.
Sau phẫu thuật các bệnh nhân nhận thận đều tiến triển tốt, chức năng thận đã được cải thiện dần về mức sinh lý bình thường. Tuy nhiên các bệnh nhân này vẫn đang được theo dõi sát và dùng thuốc chống thải ghép theo phác đồ.
TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cùng TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang chụp ảnh cùng cặp ghép thận thứ 3 tại bệnh viện. |
Ghi tên trong 25 cơ sở y tế ghép tạng trên cả nước
Đến chiều ngày 26/9, Bệnh viện đa khoa Đức Giang họp báo công bố bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận cùng huyết thống cho người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.
Nhờ có sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã thực hiện 3 ca phẫu thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống: cặp 1 ngày 8/9, cặp 2 ngày 11/9, cặp 3 ngày 13/9, bước đầu ghép thành công.
Ghép tạng là 1 trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỉ 20, là thành tựu kỳ diệu nhất của y học Việt Nam và cũng là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối. Đây là cơ hội tốt nhất đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không thể hồi phục.
Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá, là phép màu kỳ diệu của cuộc sống giúp cho những người bệnh tưởng chừng như đã không còn hy vọng có thêm cơ hội được sống bình thường, được tiếp tục những ước mơ còn dang dở.
"Hiện tại khoa Nội thận tiết niệu đang quản lý và theo dõi khoảng gần 180 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ tại khoa, mỗi ngày có 80 bệnh nhân chạy thận nhân tạo chia làm 3 ca. Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà người bệnh mệt mỏi, đi lại nhiều lần và chi phí tốn kém. Vì vậy, việc duy trì, phát triển và làm chủ kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh", Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết.
Hiện nay, cả nước có 25 cơ sở y tế đã triển khai ghép tạng thường quy và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa chính thức ghi tên trong số 25 cơ sở y tế này. Trước Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là đơn vị đầu tiên của Sở Y tế Hà Nội triển khai kỹ thuật ghép thận.