Thế hệ trẻ Mỹ học được gì từ đại dịch COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thế hệ trẻ tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung đều đã và đang trải qua một giai đoạn đầy cảm xúc từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Vì vậy, sau hơn một năm dịch bệnh tiếp diễn, tờ Times (Mỹ) đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với hàng chục trẻ em trên toàn nước Mỹ về trải nghiệm của các em. Trái với suy nghĩ nhiều người, rất nhiều người trẻ, dù không được đến trường trực tiếp, đã thực sự trưởng thành hơn nhiều từ đại dịch.

Các bạn trẻ Mỹ tham gia cuộc phỏng vấn với tờ Time để chia sẻ bài học của mình với COVID-19. Nguồn: Times

Các bạn trẻ Mỹ tham gia cuộc phỏng vấn với tờ Time để chia sẻ bài học của mình với COVID-19. Nguồn: Times

Niềm hy vọng và điều kì diệu

Cậu bé Jeremy Liew, 13 tuổi đến Riverside, bang Connecticut cho biết, là một người Mỹ gốc Á, cậu bé đã trải qua một năm với những lời chỉ trích vì ngoại hình của mình. “Mọi người nhìn tôi với sự nghi ngờ như thể tôi đã nhiễm COVID-19 hoặc mang nó đến cho cộng đồng. Tôi luôn cảm thấy xấu hổ về chính mình. Những lúc đó, tôi thích làm ảo thuật khiến mọi người vui vẻ và sẽ không cảm thấy buồn nữa”, cậu bé nói. Đối với Jeremy, trải qua một năm học mà không có sự tương tác trực tiếp thật khó khăn. Nếu như ở lớp học, cậu có thể tập trung ghi chép khi thấy các bạn khác cũng làm điều tương tự thì khi học qua Zoom, cậu lại không biết phải làm gì.

Quan trọng hơn hết là phải học cách chấp nhận, Jeremy chia sẻ: “Sự chấp nhận khiến tôi năng nổ hơn trong lớp như giơ tay đầu tiên để phát biểu trong bài giảng hay hỏi giáo viên sau giờ học. Tôi biết rằng đại dịch đã thay đổi mọi thứ nhưng đồng thời mọi người thích nghi được và trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi cũng vậy. Mặc dù hiện giờ tôi vẫn chưa cảm thấy hoàn toàn thoải mái nhưng tôi tự tin hơn với chính mình. Tôi biết ơn những gì tôi đang có: nền giáo dục, sức khoẻ và cả ba người chị phiền phức. Cùng với niềm tin rằng con người và khoa học có thể tạo ra sự khác biệt. Có thể với sự trợ giúp của một chút điều kỳ diệu”.

Còn đối với cậu bé Roman Peterson, 14 tuổi đến từ thành phố New York, năm vừa qua cậu và gia đình đã học được rất nhiều về COVID-19, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. “Một số người nghĩ rằng trẻ em không bị nhiễm COVID-19 hoặc nếu có thì cũng không có gì to tát nhưng đối với tôi và gia đình, đó lại là một câu chuyện khác. Khi nhà trường thông báo chuyển sang học online từ tháng 3/2020, tôi đã nghĩ đại dịch cũng giống như một kỳ nghỉ dài mà thôi. Nhưng rồi, mẹ tôi bị nhiễm COVID-19. Gia đình tôi phải tự cách ly trong căn hộ tại New York nhưng tôi và các em phải cố gắng tránh xa mẹ. Một vài tháng sau đó, tôi phát sốt, bác sĩ nói rằng tôi dương tính với virus”, Roman nói.

Cơn sốt của cậu bé kéo dài liên tiếp 4 tuần, kèm theo sự chán ăn và đau buốt đầu kinh khủng nhưng cậu vẫn phải ở nhà. Không lâu sau, các nhà nghiên cứu tại New York Presbyterian (Columbia) đã yêu cầu cậu tham gia một nghiên cứu kéo dài một năm về COVID-19. Roman đồng ý và kể từ lúc đó, cậu mới được tiếp xúc với người khác. Các nhà nghiên cứu gặp cậu bé 4 lần một tháng. Họ lấy máu, nước bọt và thậm chí nghiên cứu niềng răng để tìm ra virus có thể tồn tại trên răng của trẻ em bao lâu. Đến nay, cậu bé cho biết thỉnh thoảng vẫn còn bị đau đầu “kiểu COVID-19” nhưng kèm theo đó, cậu cảm thấy bản thân thật may mắn. COVID-19 đã dạy cho cậu bé 14 tuổi biết rằng không bao giờ nên coi người sức khoẻ hay cơ hội ở bên mọi người.

Với Nirav Pandey, 15 tuổi, hiện đang sống tại Kathmandu (Nepal), năm 2020 là một năm “quá khó để nhớ nhưng cũng quá khó để quên”. Cậu bé nói: “Tôi đã mong đợi một năm diễn ra hoàn toàn bình thường, không có gì nguy hiểm hay bất thường cả. Kể cả khi đại dịch khiến tôi thất vọng nhưng tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ không như vậy trong thời gian rất dài đâu. Không có điều gì có thể tệ hơn nữa. Nhưng rồi chiếc hộp “ác quỷ” pandora được mở ra và tôi đã hoàn toàn sai lầm”.

Vào tháng 12/2020, Nirav bị ốm nặng. Cậu bé được đưa đến bệnh viện với gương mặt xám xịt vì mệt mỏi. Sau một vài giờ kiểm tra, bác sĩ phải cho cậu dùng máy thở. Cậu bé 15 tuổi này đã được chẩn đoán mắc phải hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em – một căn bệnh nguy hiểm và hiếm gặp được phát hiện vào tháng 4/2020 có liên quan đến COVID-19, với tỷ lệ mắc bệnh chỉ dưới 0,5%.

“Tôi đã nói với bố mẹ rằng con sẽ sớm trở lại mặc dù không chắc liệu tôi có còn gặp lại họ được nữa hay không. Bốn ngày sau khi nhập viện, sức khoẻ của tôi xấu đi đáng kể và không còn chút hy vọng sống sót nào”, Nirav cho biết. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, với sự điều trị tích cực, cậu bé đã được quay trở lại với cuộc sống. “Hơn ai hết, tôi rất biết ơn các bác sĩ tiền tuyến sau một cuộc chiến tưởng chừng kéo dài vĩnh cửu. Tôi cũng nhận ra cuộc sống quý giá như thế nào, quý trọng từng trở ngại chúng ta cần phải vượt qua ở mỗi bước đi trên đường đời”, Nirav nói.

Mặc dù rất nhiều em nhỏ không được đến trường học trực tiếp nhưng chúng vẫn học được nhiều thứ. Nguồn: odi.org

Mặc dù rất nhiều em nhỏ không được đến trường học trực tiếp nhưng chúng vẫn học được nhiều thứ. Nguồn: odi.org

Bình tĩnh, niềm vui và động lực từng ngày

Shanaya Pokharna từ Memphis, bang Tennessee, chưa bao giờ nghĩ rằng ở độ tuổi 12, cô bé sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng toàn cầu mang tính lịch sử - điều tưởng chừng chỉ xảy ra trong các cuốn sách. “Không thể tưởng tượng được, không thể hiểu được, không thể quên được” là cách cô bé mô tả về năm 2020, cũng là “một năm đầy cảm xúc” với cô bé và gia đình.

“Mẹ tôi nhiễm COVID-19 và phải ở trong phòng cách ly 20 ngày. Cha tôi – một bác sĩ bệnh truyền nhiễm – đã chăm sóc không mệt mỏi cho các bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện và cuối cùng cũng mắc phải căn bệnh này. Tôi cảm thấy năm 2020 đối với tôi là rất nhiều năm. Tôi phải trưởng thành hơn, học được các đức tính từ bi, vị tha, nhẫn nại, chăm chỉ, cống hiến, biết ơn và đam mê đối với nghề nghiệp và gia đình từ cha mẹ và những người xung quanh”. Có rất nhiều thứ chúng ta coi là đương nhiên nhưng năm 2020 đã khiến cô bé nhận ra những điều này quan trọng như thế nào.

Cô bé Abby Rogers, 11 tuổi (Lahaina, Hawaii) đã từng cảm thấy rất lo sợ khi trường học bị đóng cửa, virus lây lan, trong khi bản thân cô bé cũng mắc bệnh về đường hô hấp. Abby chia sẻ: “Do căn bệnh của mình, tôi bị hạn chế tiếp xúc với những người khác trừ gia đình. Trong khi thế giới của tôi trở nên nhỏ hơn về mặt vật lý, thế giới trực tuyến của tôi bắt đầu mở rộng. Dì tôi đã mở cho tôi xem rất nhiều buổi học trực tiếp về khoa học và những nhà khoa học trên khắp thế giới đã trở thành “những người bạn mới tốt nhất” của tôi”.

Càng học được nhiều, cô bé càng muốn làm điều gì đó giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, bắt đầu bằng cách cố gắng trở nên thân thiện với môi trường nhất có thể: cắt giảm đồ nhựa sử dụng một lần, ăn ít thịt hơn và trở thành một người đam mê tái chế. “Gần đây, tôi rất vui vì đã được trở lại trường học hai ngày một tuần. Tuy nhiên, tôi hơi lo lắng là không có thùng rác tái chế trong lớp học của tôi, nhưng cô giáo đã đồng ý cho tôi mang một chiếc thùng rác tái chế để vào lớp”, cô bé chia sẻ.

Quả thực, đại dịch đã thay đổi rất nhiều cuộc đời trẻ em, thanh, thiếu niên ở Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, nhưng kết quả không hoàn toàn xấu. Mặc dù rất nhiều em nhỏ không được đến trường học trực tiếp trong thời gian qua nhưng chúng vẫn học được rất nhiều bài học về cuộc sống. Như Valentina Efendiev (6 tuổi, từ Jackson, bang New Jersey) học cách làm xe đẩy, tự vẽ tranh và làm người tuyết lớn trước cửa khi phải ở nhà, bố mẹ đi vắng.

Afton Campbell (12 tuổi, Surprise, bang Arizona) dành nhiều thời gian hơn cho mẹ và em gái khi bố liên tục trực chiến tại bệnh viện điều trị cho các bệnh nhân ung thư. Cô bé và gia đình cũng thường xuyên FaceTime với người dì bị nhiễm COVID-19 để tiếp thêm động lực cho cô ấy cho đến ngày cô ấy qua đời vào đêm giao thừa.

Cô bé Mira McInnes (12 tuổi, từ Leawood, bang Kansas) vượt qua chứng rối loạn lo âu và trầm cảm cùng với bác sĩ tâm lý của mình thông qua những cuộc gọi trực tuyến và thay đổi thói quen hàng ngày. Trong suốt mùa dịch, cô bé đã dành vài giờ hầu hết các ngày để viết truyện ngắn, thơ và bài hát về cảm giác của mình và hy vọng cho tương lai; cũng như học cách giải toả tâm trí, cởi mở và trung thực với bản thân.

Cậu bé 5 tuổi Milo Ecker (từ Randolph, New Jersey) cũng rất vui vẻ ở nhà và tập làm phim với bố và cậu em trai Elliot. Cô bé Victoria Hanson (11 tuổi, Chadds Ford, bang Pennsylvania) trở thành một “đầu bếp bánh” tuyệt vời trong gia đình… Và còn rất nhiều câu chuyện tương tự nữa.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.