“Thế hệ Sampo” Hàn Quốc: Thích sống độc thân, không sinh con

“Thế hệ Sampo” Hàn Quốc thích sống độc thân, không con cái. (Ảnh minh họa)
“Thế hệ Sampo” Hàn Quốc thích sống độc thân, không con cái. (Ảnh minh họa)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước áp lực của cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ Hàn Quốc đang chọn cách sống độc thân, không con cái, dẫn đến nhiều hệ quả đối với nền kinh tế hàng đầu châu Á.

Hiện nay, ngày càng nhiều người Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 chọn từ bỏ ba điều được coi là quan trọng trong cuộc đời mỗi con người: hẹn hò, kết hôn và sinh con. Họ được gọi là “thế hệ Sampo” và thường bị chỉ trích là ích kỷ.

Theo một báo cáo của Chính phủ Hàn Quốc, những người sống một mình đã chiếm gần 40% dân số ở đất nước này. Năm 2020, khi quốc gia này lần đầu tiên báo cáo tỷ lệ tăng trưởng dân số âm, Thứ trưởng Bộ Tài chính khi đó là Kim Yong-beom tuyên bố cột mốc quan trọng này là “nút thắt tử thần”.

Trong năm 2020, số cặp đôi kết hôn ở nước này là 214.000 cặp, giảm 10,7% so với năm trước đó và là con số thấp nhất kể từ năm 1970 khi các số liệu bắt đầu được thu thập. Thống kê cũng cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới Hàn Quốc trong năm 2020 là 33,2, tăng 1,4 tuổi so với 10 năm trước đó, còn độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình của phụ nữ là 30,8, tăng 1,9 tuổi so với một thập kỷ trước.

Trong một cuộc khảo sát do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc tiến hành từ tháng 11/2020 đến tháng 2 năm 2021, có tới 60,9% người trong khoảng 13-24 tuổi nói rằng cảm thấy hôn nhân là không cần thiết, tăng 11,9% so với kết quả khảo sát vào năm 2017. Trong đó, tỉ lệ ở nữ giới là hơn 65% và nam giới là trên 57%.

Đồng thời, 60,3% thanh niên cho rằng, không nhất thiết phải có con dù đồng ý kết hôn. Các chuyên gia nhận định, trong 3 năm qua, thanh niên Hàn Quốc có xu hướng ngày càng áp lực về mặt xã hội cũng như tài chính trong việc lựa chọn kết hôn và sinh con.

Bên cạnh đó, việc lười kết hôn và ngại sinh con của giới trẻ Hàn Quốc khiến tỷ lệ sinh ở xứ sở kim chi sụt giảm nghiêm trọng. Theo Văn phòng thống kê quốc gia, độ tuổi sinh con thông thường ở phụ nữ Hàn Quốc là 32. Số lần sinh trên một phụ nữ giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,84 vào năm ngoái (thấp nhất thế giới), với tỷ lệ ở Seoul là 0,64. Sự giảm dân số này đã khiến một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới phát triển chậm lại.

Từ thực tế đó, Chính phủ Hàn Quốc quyết định thay đổi chiến lược, chuyển trọng tâm chính sách từ đảo ngược sự suy giảm dân số sang tìm cách hòa nhập với nó. Bên cạnh việc tìm kiếm các giải pháp khuyến khích giới trẻ sinh con, nhằm đảm bảo đủ lực lượng lao động trong tương lai, chính quyền nước này còn khuyến khích phụ nữ và người cao tuổi tiếp tục tham gia lực lượng lao động hoặc mở các doanh nghiệp mới.

Theo quy định mới, bắt đầu từ năm 2022, mỗi gia đình sinh con sẽ được thưởng 2 triệu won (hơn 1.800 USD), đồng thời nhận hỗ trợ mỗi tháng từ 300.000-500.000 won (274- 457 USD) cho đến khi đứa bé tròn 1 tuổi. Các cặp vợ chồng cũng sẽ được nhận bảo hiểm hằng tháng tối đa 3 triệu won (hơn 2.740 USD) trong vòng 3 tháng nghỉ phép chăm sóc trẻ sơ sinh...

Thậm chí, các cuộc hẹn hò tập thể cho công chức được sắp xếp với hy vọng kết nối nhiều cuộc hôn nhân hơn. Tuy nhiên, không biện pháp nào trong số đó thực sự đem lại hiệu quả.

Giới chuyên gia cho rằng, tỉ lệ sinh thấp và già hóa dân số có thể khiến Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng lao động trong tương lai. Việc đưa những người trẻ thoát khỏi xu hướng “Sampo” là hết sức cần thiết để có thể cải thiện cơ cấu dân số, cũng như nâng cao nguồn lực phát triển của nền kinh tế hàng đầu châu Á này.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.