Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cho rằng, các nhà lãnh đạo thế giới phải “gửi thông điệp hy vọng mạnh mẽ” với cuộc chiến chống đói nghèo.
Một gia đình người Philippines nghỉ trong căn lều dưới chân cầu. Nội dung quan trọng của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đến năm 2015 là chống đói nghèo. (Ảnh: AFP) |
Các nhà lãnh đạo châu Âu đứng trước yêu cầu về thuế tài chính toàn cầu khi họ đối mặt với kêu gọi kinh phí để đáp ứng Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) nhằm chống đói nghèo. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Zapatero nói rằng, tại Hội nghị thượng đỉnh của Đại hội đồng LHQ lần này, họ sẽ nhấn mạnh đến yêu cầu thuế mới. Các nước giàu có đang chịu áp lực gia tăng phải đóng góp hầu bao nhiều hơn để chống đói nghèo, đồng thời cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Trong khi đó, các nước châu Phi kêu gọi cần hành động nhiều hơn nữa.
Hãng AP dẫn lời Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, nỗ lực đấu tranh chống đói nghèo sẽ đạt được 8 mục tiêu vào năm 2015 nếu các nhà lãnh đạo thế giới mở rộng hầu bao và thiện chí chính trị. MDGs bao gồm việc giảm hơn 1 tỷ người đang sống dưới mức 1 USD/ngày, giảm 2/3 số trẻ em tử vong trước 5 tuổi, tìm kiếm thương mại công bằng hơn và mở rộng sử dụng Internet ở các nước nghèo. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính thế giới đã tác động đáng kể đến tiến độ thực hiện các mục tiêu này.
Tổng thống Sarkozy cam kết đề cập đến vấn đề thuế toàn cầu khi Pháp nắm quyền điều hành nhóm các nước G20 và G8 vào năm tới. Ông Sarkozy cho rằng, khi tất cả các nước phát triển bị thâm hụt nợ, cần tìm ra nguồn tài chính mới cho cuộc đấu tranh chống đói nghèo, đấu tranh cho giáo dục và kết thúc các đại dịch trên hành tinh. Pháp là quốc gia đầu tiên chấp nhận thách thức của Tổng Thư ký Ban Ki-moon khi ông kêu gọi các nước mở rộng hầu bao. Nhà lãnh đạo Sarkozy cho biết, Pháp sẽ tăng chi phí cho quỹ chống AIDS và bệnh sốt rét của LHQ từ 60 triệu euro/năm lên 360 triệu euro, đồng thời cam kết tăng 20% trong khoản đóng góp 10 tỷ USD hằng năm của Pháp cho các nước nghèo nhất thế giới trong 3 năm tới. Ông Sarkozy còn thúc giục các nhà lãnh đạo khác có hành động tương tự.
AP cho biết, các quan chức LHQ ước tính trong 5 năm tới cần có ít nhất 120 tỷ USD để đáp ứng 8 MDGs. Tuy nhiên, các nhóm tài trợ nói rằng, cần có nhiều hơn thế nữa và họ bày tỏ hoài nghi về thiện chí chính trị để đáp ứng được các mục tiêu đặt ra từ năm 2000. Nhiều lãnh đạo khác cũng nhấn mạnh về sự hoài nghi này. Tại một cuộc họp bên lề Hội nghị của Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg cho rằng, sẽ không thể đạt được bất kỳ mục tiêu phát triển nào bởi cần có thêm nguồn tài chính và những chiến lược tốt hơn nữa. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định tất cả mục tiêu sẽ không đạt được ở tất cả các quốc gia vào năm 2015.
Trong diễn văn khai mạc trước các nhà lãnh đạo, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert B. Zoellick tuyên bố cơ quan này đã cứu giúp cuộc sống của 13 triệu người từ nguồn vốn của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) hỗ trợ trực tiếp cho MDGs ở những nước nghèo nhất kể từ năm 2000 và sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để huy động các nguồn vốn đầu tư mới trong nông nghiệp, giáo dục và y tế, tiến tới san bằng những cách biệt MDGs trong vòng 5 năm tới. Hướng tới năm 2015, ông Zoellick nói rằng, điều quan trọng là cộng đồng phát triển rút ra các bài học trong thập kỷ thực hiện MDGs vừa qua và xây dựng trên nền tảng đó để có thể đạt được các kết quả phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
THIÊN BÌNH