Xưa nay, những nền văn hóa của các tộc người kỳ lạ luôn thôi thúc nhiều nhà khoa học khám phá, kiếm tìm. Nhưng lần tìm văn hóa trong tưởng tượng là một điều khá ngạc nhiên. Những điều tưởng như thật về bộ tộc "Ôd" mà nghệ sĩ người Ôxtrâylia Clare Martin đang giới thiệu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong trưng bày "Những chú thích về một nền văn hóa tưởng tượng" là một sáng tạo đặc biệt và kỳ thú.
Một tác phẩm của nghệ sĩ Clare Martin. |
Tìm hiểu về một nền văn hóa của tộc người ở châu Á chưa từng được công khai luôn gợi tò mò và cuốn hút người xem. Thạc sĩ chuyên ngành nghệ thuật thị giác Clare Martin đã khai thác tài tình sức hút đó để dẫn dắt người xem vào câu chuyện viễn tưởng có sức thuyết phục đến nỗi nhiều người sẽ dễ lầm đây là nghiên cứu thật của bà. Bà đã theo chân hai nhà khoa học Enoch Soames và Harold Lassetter mà mình cùng cộng tác trong một cuộc nghiên cứu về bộ tộc thiểu số "Ôd" để vẽ, viết chú thích và làm mô hình phỏng lại quá trình phát hiện này. "Ôd" là một bộ tộc kỳ thú và khác biệt, chính vì thế cái tên bộ tộc mà Clare sáng tạo cũng rất gợi, đọc giống từ "odd" trong tiếng Anh có nghĩa là kỳ lạ và "Oz", chữ viết tắt chỉ nước Ôxtrâylia - quê hương tác giả.
Bộ tộc "Ôd" được trưng bày hết sức ngắn gọn, phần lớn là qua các bức ảnh và một khung kính bao gồm những mô phỏng về một phần sinh hoạt của họ. Clare Martin khắc họa theo những chủ đề: biểu trưng, trang phục, ký ức/vật kỷ niệm, các trò chơi, các vị tiên/thần linh, quan niệm về cái chết... những điển hình của một nền văn hóa. Không chỉ giới thiệu về phong tục, tập quán khác biệt của bộ tộc "Ôd", Clare còn đưa ra những ý niệm của mình về văn hóa và cũng như hiểu biết về những nền văn hóa khác trên thế giới. Đặc biệt là sự "phát hiện" của bà trong việc sử dụng vật liệu tái chế của thổ dân "Ôd" - là cái cớ để Clare kiến tạo các mô phỏng bằng những vật liệu thân thiện với môi trường này: vỏ bia, nước ngọt, giấy báo, bìa các tông...
Thế giới của Clare mở ra vừa mang dấu ấn quá khứ, vừa như hiện tại, lại thấp thoáng hình bóng của tương lai khi người "Ôd" sử dụng cả công cụ thô sơ và văn minh. Nhiều người đánh giá, đây là một hành trình của văn hóa với những biến đổi kỳ lạ mà giá trị của nền văn hóa này là quan niệm của những người tạo ra chúng không tương đồng với quan niệm của thực tại. Đó là những vật dụng hằng ngày: tẩu thuốc, váy áo trẻ em - được người "Ôd" coi là di vật; điện thoại di động - vật tế lễ; máy nghe nhạc Ipod - đồ trang sức... "Tôi nhận thấy, các nhà nghiên cứu dân tộc học thường gặp sai lầm khi sự quan sát của họ làm hỏng chính cái họ đang quan sát. Đối với người làm nghệ thuật thì sự tưởng tượng có thể tạo nên một nền văn hóa", Clare Martin quan niệm. Trưng bày lần này của bà là một giãi bày và kiếm tìm về một thế giới mới - không hề xa rời hiện tại - một thế giới của những người "phân tán, sống ở vùng ngoại ô, dù vậy họ vẫn mang dấu tích của một quá khứ làm nông nghiệp và trồng trọt". Hình tượng bộ tộc "Ôd" là sự khát khao, ngưỡng mộ của tác giả, bởi với bà, họ không quá coi trọng quyền lực, ý thức mạnh mẽ về cộng đồng, tràn đầy năng lực sáng tạo và rất có khiếu hài hước. Hy vọng rằng, họ vẫn tồn tại.
Trong trưng bày của Clare Martin, có thể nhận thấy nhiều nét văn hóa của Việt Nam: chùa chiền, nghề khắc đá... Đó là kết quả của thời gian bà làm việc ở Việt Nam với tư cách là "nghệ sĩ cư trú" từ năm 1991. Clare Martin cho thấy, mỗi sáng tạo trong nghệ thuật là một hành trình suy nghiệm về sự giản đơn để đạt được những thành tựu trong cuộc sống.
(Theo hanoimoi)