Các mô hình khí hậu cho thấy, sau ba năm hình thái thời tiết La Nina, thường làm giảm nhẹ nhiệt độ toàn cầu, El Nino sẽ quay trở lại, gây ra nền nhiệt cao hơn vào cuối năm 2023.
Với El Nino, gió hướng về phía Tây dọc xích đạo sẽ chậm lại và nước ấm được đẩy về phía Đông tạo nhiệt độ ấm hơn trên bề mặt nước biển.
Giám đốc Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU) - ông Carlo Buontempo cho biết: “El Nino thường liên quan tới nhiệt độ phá vỡ kỷ lục trên toàn cầu. Vẫn chưa rõ điều này sẽ xảy ra trong năm 2023 hay 2024”.
Theo các mô hình khí hậu, hiện tượng El Nino quay trở lại vào cuối mùa hè ở phương Bắc và khả năng El Nino mạnh sẽ phát triển vào cuối năm, ông Buontempo cho biết.
Năm nóng nhất thế giới được ghi nhận cho đến nay là năm 2016, trùng khớp với việc El Nino diễn ra mạnh, mặc dù biến đổi khí hậu đã thúc đẩy nhiệt độ tăng cao cực đoan ngay cả trong những năm không có hiện tượng này.
Tám năm qua là tám năm nóng nhất được ghi nhận trên thế giới, phản ánh xu hướng nóng lên trong dài hạn do phát thải khí nhà kính.
Ông Friederike Otto tại Viện Grantham thuộc Đại học Imperial College London (Anh) đánh giá nhiệt độ cao do El Nino có thể làm trầm trọng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với những quốc gia đang phải hứng chịu tình trạng này, trong đó có các đợt nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng.
Ông Otto dự đoán nếu El Nino thực sự phát triển, có khả năng năm 2023 thậm chí sẽ còn nóng hơn năm 2016.
Các nhà khoa học tại Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus vào ngày 29/4 đăng tải báo cáo về khí hậu cực đoan trên thế giới vào năm 2022, năm có nhiệt độ cao kỷ lục thứ 5. Trong đó, 2022 là năm có mùa hè nóng nhất tại châu Âu và biến đổi khí hậu đã góp phần gây mưa lớn dẫn đến thảm họa ngập lụt tại Pakistan. Vào tháng 2/2022, băng trên biển ở Nam Cực ghi nhận mức thấp kỷ lục.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện nay đang cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.