Ít nhất 35.000 người trên khắp thế giới đã bị kết án về tội khủng bố trong vòng một thập kỷ kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ.
Người dân hoảng loạn khi tòa tháp đôi ở New York sụp đổ. |
Theo hãng tin AP, trước vụ 11/9, mỗi năm thế giới chỉ có vài trăm người bị kết án về tội khủng bố nhưng kể từ sau các vụ tấn công kinh hoàng thì hầu như mọi quốc gia trên thế giới, từ những đất nước nhỏ bé như Tonga cho đến những nước lớn như Trung Quốc, đều đã thông qua hoặc xem lại luật chống khủng bố của mình dưới sự đốc thúc và cả tài trợ từ các nước phương Tây.
Chính điều này đã khiến cho các trường hợp tố tụng có liên quan đến khủng bố tăng một cách đột biến kể từ sau ngày 11/9/2001. Riêng ở Mỹ, đã có 2.934 người bị bắt và 2.568 người bị kết án – nhiều hơn 8 lần so với thập kỷ trước.
Trong khi đó, sau khi thông qua luật chống khủng bố mới hà khắc hơn vào năm 2006, Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt tất cả các quốc gia trên thế giới về số người bị kết án tội khủng bố với 6.345 đối tượng được cho là phạm tội trong năm 2009.
Con số này ở năm 2005 chỉ vẻn vẹn có 273 người. Còn Pakistan – đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố - thì sửa đổi đạo luật này vào năm 2004. Với hàng tỉ USD do Mỹ viện trợ, số vụ bắt giữ các đối tượng bị cáo buộc khủng bố ở Pakistan đã tăng ở mức độ cao nhất nếu so sánh với các nước còn lại.
Cụ thể, trong năm 2009, chính quyền quốc gia Nam Á này đã bắt giữ tổng cộng 12.886 người, so với 1.552 người năm 2006. Tuy nhiên, không vì thế mà các vụ tấn công khủng bố ở Pakistan giảm đi khi mà nước này chỉ đứng sau Iraq nếu xét về số người thiệt mạng vì các vụ tấn công khủng bố.
Còn ở Tây Ban Nha, mỗi năm có khoảng 140 người bị kết án về các tội danh liên quan đến khủng bố. Theo luật chống khủng bố được thông qua sau vụ 11/9, những kẻ khủng bố bị kết án ở Tây Ban Nha đối mặt với án tù tối đa 40 năm, nhiều hơn 10 năm so với các tội khác.
Sau 11/9, nhiều quốc gia Trung Đông cũng đã nhanh chóng thông qua những đạo luật chống khủng bố nghiêm khắc. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ), Tunisia đã sử dụng luật chống khủng bố ban hành năm 2003 để kết án 62 đối tượng vào năm 2006. Ở các năm 2007 con số này là 308 và đã tăng hơn gấp đôi sau 2 năm với số người bị kết án về tội khủng bố trong năm 2009 là 633 người.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali, khoảng 2.000 người Tunisia đã bị bắt giữ, bị truy tố và bị buộc các tội danh liên quan đến khủng bố.
Tuy nhiên, tất cả những người này đều đã được chính quyền mới phóng thích 5 ngày sau khi ông Ben Ali chạy trốn hồi tháng 1/2011. Ả rập Xê út, với lý do lo ngại về Al Qaeda cũng đang xem xét một đạo luật chống khủng bố với mức án tù 10 năm cho các đối tượng không trung thành với nhà Vua.
10 năm sau sự kiện 11/9, bằng cách này hay cách khác, cả thế giới vẫn đang thúc đẩy cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố và việc truy tố các phần tử khủng bố được đánh giá là một phương cách “vô cùng quan trọng” để đảm bảo an ninh của toàn thế giới.
Số người bị kết án, cùng với khoảng 120.000 trường hợp bị bắt giữ, đã cho thấy mối quan tâm về chủ nghĩa khủng bố đã ngấm vào xã hội và cách thức mà nhiều nhà nước chuyển cuộc chiến chống khủng bố sang cho Tòa án.
Tuy nhiên, tình trạng này cũng cho thấy hàng chục quốc gia đã và đang lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố để kiềm chế tình trạng bất đồng quan điểm chính trị tại đất nước họ.
“Cả thế giới đều công nhận rằng chủ nghĩa khủng bố thực sự đã trở thành một mối đe dọa lớn hơn đối với xã hội. Tuy nhiên, một số nước lại đang sử dụng mối đe dọa có thật của chủ nghĩa khủng bố như một cái cớ cho việc đàn áp của mình” – ông John Bellinger - cựu cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.
Hà Dung (Theo AP)