Theo AFP, trong một thời gian dài kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ I, tấn công hóa học ít được bàn tới hơn. Tuy nhiên, những cáo buộc sử dụng khí độc trong các cuộc xung đột tại Iraq và Syria hay những nghi vấn tấn công bằng chất độc thần kinh xảy ra tại Kuala Lumpur, Malaysia và thị trấn Salisbury ở Anh thời gian qua đã dấy lên hồi chuông báo động trên toàn cầu.
Sau những vụ việc này, Anh đang vận động trao quyền lớn hơn cho Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW). Và, với sự hậu thuẫn của 11 nước đồng minh, Anh đã kêu gọi tiến hành một phiên họp đặc biệt của Hội nghị các nước hoạch định chính sách của OPCW tại The Hague, Hà Lan nhằm bàn về việc trao quyền xác định thủ phạm trong các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học cho cơ quan này.
Theo Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, tại cuộc họp được khai mạc vào ngày 26/6 này, Anh sẽ đệ trình dự thảo do nước này soạn thảo, theo đó đề xuất trao cho OPCW quyền xác định trách nhiệm trong các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria. “Với chuyên môn kỹ thuật về vũ khí hóa học đã được chứng minh , OPCW là cơ quan thích hợp để nghiên cứu, xác định thủ phạm trong một vụ tấn công”, Ngoại trưởng Anh nói thêm.
Dự thảo đề xuất do Anh soạn thảo có thể được đưa ra để 193 nước thành viên OPCW bỏ phiếu trong một phiên họp kín được tổ chức ngày 27/6. Để được thông qua, đề xuất này cần phải nhận được sự ủng hộ của đa số 2/3 các nước thành viên tổ chức đã được trao giải Nobel hòa bình này. Tổng giám đốc OPCW Ahmet Uzumcu cho biết, theo dự kiến, cuộc họp sẽ diễn ra trong 2 ngày nhưng cũng có thể sẽ kéo dài sang ngày thứ 3.
“Chúng ta đang ở ngã tư đường”, ông Uzumcu nói và cho rằng những vụ tấn công hóa học xảy ra gần đây chính là lời cảnh báo rõ ràng nhất. Ông Uzumcu cũng cho rằng tình hình hiện nay là không bền vững vì việc thiếu một cơ chế xác định trách nhiệm, do đó cần phải có hành động để ngăn chặn.
Đến nay, khoảng 96% kho vũ khí hóa học độc hại đã được công bố của thế giới đã được OPCW loại bỏ. Phần còn lại hiện do Mỹ nắm giữ dự kiến sẽ được hủy bỏ vào năm 2023. Tuy nhiên, các kịch bản mới nổi lên, trong đó có kịch bản những phần tử thánh chiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sử dụng khí mù tạt để tấn công đã dấy lên những lo ngại.
“Đó không phải là những vũ khí hóa học mà chúng ta đã đối mặt, ví dụ như ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đó là việc những thứ vốn được dùng hàng ngày như các thứ vũ khí để đạt được mục đích chiến thuật và quân sự”, nhà ngoại giao Pháp Nicolas Roche trong tuần qua nói với Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington.
Tuy nhiên, Nga đã phản đối cuộc thảo luận trên. Đại sứ quán Nga tại The Hague, Hà Lan trong một tuyên bố cáo buộc cuộc họp được đề xuất nhằm kích động thái độ chống Nga và chống Syria. Cuộc họp diễn ra ít lâu trước khi OPCW dự kiến sẽ công bố kết quả cuộc điều tra về vụ việc được cho là tấn công bằng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma ở Syria hôm 7/4.