Chương trình là sự hợp tác giữa Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn (SPO) với Dàn nhạc Baltic Neopolis Orchestra - một bước tiến quan trọng trong giao lưu văn hóa giữa các nghệ sĩ và nhạc công đến từ châu Âu và Việt Nam.
Dàn nhạc Baltic Neopolis Orchestra quy tụ những nghệ sĩ tài năng đến từ Ba Lan mang đến phong cách biểu diễn độc đáo. SPO với bề dày kinh nghiệm về âm nhạc cổ điển đã có sự kết hợp trình diễn rất chuyên nghiệp. Khán giả được trải nghiệm sự hòa quyện âm thanh từ những giai điệu tinh tế đến những đoạn cao trào mãnh liệt, tạo nên những cảm xúc thăng hoa.
Mở đầu chương trình là bản "Concerto for Violin and Oboe in C minor, BWV 1060R" của Johann Sebastian Bach, với những phút giây sâu lắng. Không gian như bao phủ lớp âm thanh tinh tế hòa quyện tiếng oboe trầm ấm của Chan Kin và những giai điệu trong trẻo từ violin của Edwin Eungsoo Kim.
Sự tương tác nhịp nhàng và ăn ý giữa hai nhạc cụ không chỉ tạo bản hòa ca hoàn hảo, giúp khán giả cảm nhận được chiều sâu của tác phẩm. Những giai điệu vui tươi và lôi cuốn từ tác phẩm đã khơi gợi niềm vui và sự hứng khởi trong lòng người nghe.
Tiết mục "Sinfonia concertante in B-flat major, Hob.I:105" của Joseph Haydn mang đậm tính văn hóa, phản ánh sự giao thoa và phát triển của âm nhạc cổ điển châu Âu trong thế kỷ 18.
Màn trình diễn của các nghệ sĩ Emmanuel Salvador, Richard Bambing, Michael Edward Wilson và Nguyễn Bảo Anh là sự kết hợp của các nền văn hóa âm nhạc khác nhau. Họ không chỉ là những nhạc công mà còn là đại diện cho các truyền thống âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới, tạo nên một bức tranh âm thanh đa sắc màu.
"Sinfonia concertante" thể hiện sự sáng tạo và khả năng kết nối của âm nhạc vượt qua mọi rào cản.
Phần hai của chương trình được bắt đầu mở đầu bằng "Violin Concerto No. 2 in D minor, Op. 22" của Henryk Wieniawski, qua màn trình diễn ấn tượng của Paloma So. Bản nhạc nổi bật với những giai điệu quyến rũ và lôi cuốn.
Đêm diễn khép lại với tuyệt phẩm "Piano Concerto No. 1 in E minor" của Frédéric Chopin, cụ thể là phần đầu tiên của tác phẩm. Nghệ sĩ Tạ Quang Vũ đã cống hiến cho khán giả một phần trình diễn đầy cảm hứng, kết hợp giữa kỹ thuật tinh xảo và chiều sâu cảm xúc, mang đến một cái nhìn mới mẻ về tác phẩm cổ điển này.
Khi Concerto số 1 lần đầu được công diễn vào tháng 10 năm 1830, chính Chopin đã xuất hiện ở vị trí nghệ sỹ piano độc tấu, bay bổng với tất cả đam mê nồng nhiệt của mình, khiến hội trường 700 khán giả vỗ tay như sấm. Vài tuần sau, ông đưa đứa con tinh thần của mình sang Paris và khiến cả châu Âu ngây ngất. Nhưng lúc này ở quê nhà, Ba Lan đã biến thành chảo lửa chiến tranh và Chopin cũng không ngờ buổi hòa nhạc công diễn tác phẩm cũng là buổi diễn cuối cùng trên mảnh đất ông thương nhớ suốt cuộc đời.
Sau hai bản concerto, ông chỉ cho ra đời một tác phẩm nữa dùng tới cả dàn nhạc, và ông đã thu sự nghiệp của mình lại, gần như chỉ còn độc nhất tiếng piano để làm bạn. Nếu như không có chiến tranh, không phải ly biệt quê hương, biết đâu Chopin đã có thể ổn định và phát triển sự nghiệp sáng tác theo một hướng khác, vươn tới sự đa dạng muôn màu của bao cây đàn khác?. Câu hỏi này dẫn dắt hậu thế đến một cảm thức tiếc nuối, càng trân quý hơn những tuyệt tác piano và dàn nhạc hiếm hoi còn lại của nghệ sỹ dương cầm.
Khi đêm diễn kết thúc, khán giả đã vỗ tay không ngớt. Nhiều khán giả chia sẻ rằng họ đã cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ giữa các nghệ sĩ và sức mạnh của âm nhạc trong việc gắn kết các nền văn hóa khác nhau. Sự kết hợp giữa SPO và Baltic Neopolis Orchestra đã mang đến một trải nghiệm độc đáo, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người yêu nhạc.
Sự kiện không chỉ là một buổi hòa nhạc đơn thuần mà còn là một minh chứng cho khả năng của âm nhạc trong việc vượt qua mọi rào cản và kết nối trái tim của những người yêu nghệ thuật. Khán giả ra về đầy cảm xúc với kỷ niệm đáng nhớ, cùng mong đợi những sự kiện tiếp theo của Liên hoan âm nhạc cổ điển.