Nhà giáo của những lớp học đặc biệt
Trước khi ra đi tìm được cứu nước vào ngày 05/6/1911, Nguyễn Tất Thành đã từng là thầy giáo giảng dạy tại trường Dục Thanh (thị xã Phan Thiết). Dù thời gian giảng dạy tương đối ngắn nhưng trong quá trình giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã truyền cảm hứng về lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các học sinh. Trong thời gian làm việc tại bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành vừa làm việc, vừa tranh thủ dạy chữ vào thời gian buổi tối cho anh em công nhân cùng ở trọ tại xóm lao động nghèo. Điều đó càng thể hiện tấm lòng nhân đạo, yêu thương con người, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của những người cùng khổ của thầy giáo Nguyễn Tất Thành.
Trường Dục Thanh, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học năm 1910. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Đặc biệt, từ năm 1925 đến năm 1927, Nguyễn Ái Quốc vừa là người sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên; đồng thời Người trực tiếp đảm nhiệm vai trò là giáo viên lên lớp thực hiện giảng dạy cho các đồng chí giác ngộ cách mạng về đường lối cứu nước, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi sự cai trị áp bức của thực dân Pháp.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện đào tạo một số thanh niên Việt Nam thành những cán bộ cách mạng, rồi đưa họ về nước hoạt động. Trong hơn hai năm (1925 -1927), nhà giáo Nguyễn Ái Quốc đã mở được mười lớp học cho hơn 200 học viên.
Những học viên của lớp học đặc biệt này, họ đều là những “hạt giống đỏ”, là những chiến sĩ kiên trung của cách mạng Việt Nam. Trong số đó, một số người được cử sang học ở Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), một số được cử đi học quân sự. Trong quá trình học tập, những học viên đã được nhà giáo Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) truyền cảm hứng về mục tiêu học tập cho các thanh niên yêu nước phải làm cách mạng như một chân lý hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận được: “muốn sống phải làm kách mệnh” và “kách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”.
Đặc biệt, những bài giảng của nhà giáo Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), sau này được tập hợp lại thành tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Tác phẩm này đã góp phần quyết định trong việc khắc phục sự khủng hoảng về đường lối, mở ra con đường cứu nước của dân tộc ta; khẳng định rõ định hướng lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam, vừa đáp ứng được các nhu cầu khách quan của đất nước, vừa phù hợp với xu thế thời đại mới. Chính vì thế, “Đường Kách mệnh” đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu cách mạng, là tài liệu mẫu mực trong việc học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhất là trong những giai đoạn lịch sử mang ý nghĩa thay đổi có tính bước ngoặt của cách mạng nước ta.
Như vậy, nhà giáo Hồ Chí Minh đã đảm nhiệm xuất sắc những vai trò: giáo viên lên lớp giảng dạy; giáo vụ tổ chức lớp học; người thầy truyền cảm hứng, nhiệt tình cách mạng cho những người Việt Nam yêu nước.
Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958. Ảnh tư liệu |
Phong cách giảng dạy của nhà giáo Hồ Chí Minh
Phong cách giảng dạy của nhà giáo Hồ Chí Minh luôn khuyến khích tính tích cực sáng tạo của người học. Người thầy chỉ là người định hướng cho người học khám phá tri thức. Không quá phụ thuộc vào tài liệu, sách vở mà người học cần phải biết chủ động, tích cực nghiên cứu, trung thực thẳng thắn với chính mình, với đồng chí, đồng đội.
Điều đáng quý là cách đây 75 năm, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến sự phát huy tính chủ động, tích cực của người học; điều này Người đã vạch rõ; trong quá trình học tập cần phải: “Nghiên cứu - Mỗi người phải đọc kỹ càng các tài liệu, rồi tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình, có khuyết điểm gì và ưu điểm gì. Thảo luận - Khai hội thảo luận và phê bình. Trong lúc thảo luận, mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy. Song không được nói gàn, nói vòng quanh. Những kết luận trong cuộc thảo luận phải có cấp trên duyệt y mới là chính thức”. Đó chính là phong cách đề cao dân chủ trong học tập, nghiên cứu; làm việc theo nhóm đã được nhà giáo Hồ Chí Minh khuyến khích; mọi sự áp đặt một chiều đến người học đều xa lạ với phong cách giảng dạy tôn trọng người học của nhà giáo Hồ Chí Minh.
Một điểm đặc biệt trong phong cách nhà giáo Hồ Chí Minh, luôn có sự thống nhất giữa lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn. Điều này đã được Người nhấn mạnh: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”. Đồng thời Người cũng cảnh báo căn bệnh “kinh nghiệm chủ nghĩa”, coi nhẹ hoặc không chú trọng đến lý luận “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”.
Bên cạnh đó, Người chú ý đến đặc điểm của từng đối tượng học viên, từng cấp học để người giáo viên có phương pháp giảng dạy cho phù hợp, đạt hiệu quả cao. Trong bài nói chuyện với cán bộ, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 21/10/1964, Người chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than (Hà Nội) năm 1958. Ảnh tư liệu |
Đối với từng cấp học, bậc học nhà giáo Hồ Chí Minh cũng đặt ra những mục tiêu, yêu cầu khác nhau cho phù hợp với từng đối tượng. Trong bức thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ và thanh niên ngày 31/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công”.
Bên cạnh việc nêu lên những điều mà nhà giáo phải làm cho tốt, Người còn dặn dò các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể… và quyết tâm: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.
Như vậy, những quan điểm sáng tạo, tấm gương về tự học và phong cách giảng dạy của nhà giáo Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Đảng và Nhà nước ta trong 35 năm đổi mới và tiếp tục được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài...”.
Tự hào về nhà giáo Hồ Chí Minh, từng thế hệ nhà giáo quyết tâm khắc phục khó khăn, thi đua “dạy tốt, học tốt” góp phần tích cực vào “xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đầu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Thiếu tá Dương Văn Đại
(Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng)