Xứ sở “đẹp bất tận”
Mới đây, trong video quảng bá với chủ đề “The Spirit of Travel” của LV, dưới ống kính của những quay phim nước ngoài, Việt Nam hiện lên với vẻ đẹp trữ tình nhưng không kém phần độc đáo và hùng vĩ. Dù mỗi khung hình chỉ vài giây, người xem vẫn dễ dàng nhận ra đó là Hạ Long kỳ vĩ, là Sapa trẻ trung, là Hội An xưa cũ và ấm áp, và một Tam Cốc bình yên theo một nhịp chèo thuyền. Trong khi người Việt háo hức tự hào thì bạn bè quốc tế cũng không tiếc lời khen dành cho những hình ảnh Việt Nam trong đoạn phim quảng bá.
Cảnh quay quảng cáo của LV tại Việt Nam |
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên những hình ảnh về du lịch Việt xuất hiện trên ống kính quốc tế.
Năm 2015, khi Warner Bros ra mắt “Pan”, bộ phim đã giới thiệu tới khán giả quốc tế những hình ảnh độc đáo của hệ thống núi non, hang động của Việt Nam. Với thời lượng khá dài trên phim, khán giả của Pan đã được chiêm ngưỡng Hang Én - hang động lớn thứ 3 thế giới ở Quảng Bình, cảnh núi non xanh tươi ở Ninh Bình, và những hòn đảo đẹp như cổ tích ở Vịnh Hạ Long.
Tới năm 2017, vẻ đẹp kỳ vĩ của di sản vịnh Hạ Long và những dãy núi ngút ngàn, hệ thống hang động bí ẩn tại Quảng Bình, Ninh Bình được tái hiện sống động trong những thước phim bom tấn Hollywood “Kong: Skull Island” cuối năm 2016. Theo lời đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, bối cảnh Việt Nam hoàn hảo về mặt thẩm mỹ với phong cảnh đẹp và siêu thực, là vẻ đẹp mà khán giả chưa từng trải nghiệm trên màn ảnh trước đây.
Phong cảnh non nước tại Ninh Bình lọt vào tầm ngắm của nhiều đạo diện thế giới |
“Cơn sốt” “Kong: Skull Island” lan rộng khiến các địa danh của Việt Nam trở thành từ khóa “nóng” được nhắc đến nhiều nhất trên các diễn đàn phim ảnh và du lịch.
Tại thời điểm tháng 3/2017, theo đại diện của một hãng lữ hành, lượng khách quốc tế lựa chọn các địa điểm xuất hiện trong phim đều có xu hướng tăng, cụ thể là tăng khoảng 40% tuyến Hạ Long và 30% đối với tuyến Ninh Bình.
Đặc biệt, một số hãng lữ hành nước ngoài như Exotic Voyages, Impress Travel đưa các đoàn khách đến Việt Nam theo chương trình tour “ăn theo” ảnh hưởng tích cực từ bộ phim với giá tour lên tới hơn 2.000 USD/khách.
Để du khách đừng chỉ ngắm qua “màn ảnh nhỏ”
Vài năm trở lại đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế với con số tăng trưởng ấn tượng.
Giai đoạn 2015 - 2018, khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng cao kỷ lục trong lịch sử phát triển du lịch Việt Nam, từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 15,5 triệu lượt năm 2018, đạt tốc độ tăng trung bình 25%/năm.
Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, khoảng 80% du khách nước ngoài không chọn quay trở lại Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những rào cản về thị thực hay chất lượng hạ tầng du lịch còn thấp, còn thiếu vắng các sản phẩm du lịch liên quan tới vui chơi giải trí, mua sắm...
Theo đại diện một số đơn vị kinh doanh lữ hành, với các thị trường khách có khả năng chi trả cao như Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu, du khách thường có thời gian lưu trú tương đối dài. Thời gian miễn thị thực không quá 15 ngày của Việt Nam vẫn là con số khiêm tốn nếu so sánh với các nước cùng khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia với thời gian lên đến 30 ngày.
Một chính sách cởi mở về thị thực sẽ tạo điều kiện để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển cho các hành trình quốc tế, không chỉ giữ chân khách ở lại lâu hơn mà còn thu hút nhiều hơn đối tượng doanh nhân, nhà đầu tư nhập cảnh Việt Nam khi đi công tác thay vì Bangkok hay Singapore như hiện nay.
Nhằm giải quyết bài toán nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt, nhiều giải pháp đang được địa phương, doanh nghiệp lớn trong cả nước tập trung triển khai. Theo các chuyên gia, bên cạnh việc đề ra cơ chế để thu hút các thương hiệu mạnh đến với Việt Nam, nội tại du lịch Việt cần đầu tư mạnh hơn nữa về cơ sở hạ tầng, khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan đặc sắc của vùng miền để tăng trải nghiệm của du khách.
Thực tế trong thời gian qua, du lịch Việt Nam bước đầu ghi nhận một số “điểm sáng” về hạ tầng và dịch vụ du lịch, có tác động rõ rệt tới sự tăng trưởng về cả lượng khách và doanh thu.
Quy Nhơn trở thành điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam hiện nay |
Điển hình như Quảng Ninh, sự xuất hiện và đi vào hoạt động của các hạ tầng quy mô như sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long hay quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hạ Long… đã thúc đẩy lượng khách quốc tế tăng kỷ lục, đạt 5,2 triệu lượt, góp phần nâng tổng thu từ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2018 lên tới hơn 24.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2017.
Du lịch Bình Định cùng để lại dấu ấn tăng trưởng đột phá lượng khách quốc tế. So với năm 2014, lượt khách năm 2018 tăng gần gấp đôi với 67%. Theo lãnh đạo tỉnh, điều này có được nhờ sự xuất hiện lần lượt của nhiều hạng mục hạ tầng phục vụ du lịch cao cấp như nhà ga mới sân bay Phù Cát, các hạng mục lưu trú, vui chơi giải trí tại quần thể 5 sao FLC Quy Nhơn (quần thể 5 sao đầu tiên của Bình Định), hay sự gia tăng mạnh mẽ của các đường bay thẳng tới Quy Nhơn…
Để thấy một điểm đến thú vị, đôi khi du khách chỉ cần du lịch qua “màn ảnh nhỏ”. Nhưng để khiến họ click chuột vào đặt một vé máy bay, phòng khách sạn hay một tour du lịch, Việt Nam cần những chính sách cởi mở cũng như một hệ sinh thái du lịch đáp ứng “trên” cả nhu cầu. Đây cũng là xu hướng phát triển của ngành công nghiệp du lịch thế giới mà Việt Nam đang hướng tới.