Bài học đắt giá trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc môi giới đất nền” giữa Công ty CP Bách Đạt An và Công ty CP đầu tư Hoàng Nhất Nam (trụ sở chính tại Đà Nẵng) kéo dài hơn hai năm qua vừa đi đến hồi kết giai đoạn 1, là ví dụ điển hình. Khách quan mà nói, vụ việc đã và đang để lại những hệ lụy không nhỏ đối với tâm lý nhà đầu tư địa phương, cũng như yếu tố niềm tin trong kinh doanh.
Trong năm 2019, những hợp đồng đặt cọc đất nền tại dự án Bách Đạt 1, 7B mở rộng, Hera complex Riverside tại khu đô thị mới Điện Nam– Điện Ngọc (Quảng Nam) đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Đến nay tòa án đã có những phán quyết đảm bảo được quyền lợi cho những người mua đất tại các dự án này.
Cụ thể, đầu tháng 1/2019 gần 1.000 người đặt cọc tiền mua đất tại 3 dự án Bách Đạt 1, Khu đô thị 7B mở rộng và khu đô thị Hera Complex tập trung tại trụ sở Công ty CP Bách Đạt An đòi sổ đỏ. Đây là những dự án do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư còn Cty CP đầu tư Hoàng Nhất Nam làm nhà phân phối.
Theo cam kết, đến quý III/ 2018, người dân sẽ nhận được sổ đỏ, tuy nhiên sau đó trễ gần 6 tháng nhưng vẫn chưa có vì vậy gây nhiều bức xúc cho khách hàng.
Công ty Bách Đạt An sau đó đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Hoàng Nhất Nam, đòi thu hồi toàn bộ lô đất đã bán. Công ty Bách Đạt An còn khởi kiện và buộc Công ty Hoàng Nhất Nam bồi thường vì cho rằng đơn vị này có vi phạm trong quá trình phát triển dự án.
Ngày 28/11/2019, TAND TP Đà Nẵng đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử với sự tham gian tranh tụng của gần 300 khách hàng có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Sau một ngày xét xử, HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và buộc Công ty Bách Đạt An phối hợp với các đối tác và các cơ quan chức năng thực hiện giao đất, làm các thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân. Phía Công ty Bách Đạt An sau đó đã kháng cáo bản án sơ thẩm.
Người dân tụ tập trước TAND cấp cao tại TP Đà Nẵng để chờ đợi kết quả phiên phúc thẩm vụ tranh chấp đất hôm 8/5. |
Chiều 8/5/2020, bản án phúc thẩm TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên, hàng trăm người dân và đại diện Công ty Hoàng Nhất Nam vỡ òa trong niềm vui.
Trong đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên không chấp nhận kháng cáo của Công ty Bách Đạt An, giữ nguyên bản án sơ thẩm ngày 28/11/2019; buộc Công ty này tiếp tục thực hiện Hợp đồng số 14/2017/HĐĐC/BĐA-CN ngày 14/07/2017 giữa Công ty Bách Đạt An và Công ty Hoàng Nhất Nam; Công ty Bách Đạt An có trách nhiệm phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam thực hiện giao đất, thực hiện dự án đầu tư, lập các thủ tục cấp GCNQSDĐ cho những người liên quan...
Vụ án tranh chấp tại dự án 7B mở rộng tại Khu đô thị mới Điện Nam Điện Ngọc, Thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) khép lại nhưng trước mắt vẫn còn 2 dự án cần sự thiện chí giải quyết từ chủ đầu tư Bách Đạt An gồm Dự án Hera Complex Riverside và Dự án Bách Đạt 1 (tên thương mại Eco Future Park).
Khách hàng vẫn còn đó những mối lo, lo chủ đầu tư có thực sự quan tâm đến quyền lợi của khách hàng hay không, hay đến cùng vẫn khiến người dân điêu đứng vì “tiền mất tật mang”, bỏ tiền mua đau khổ?
Ngoài ra, khách hàng con lo sự chồng chéo các quy định liên quan đến quy hoạch của khu đô thị mới Điện Nam Điện Ngọc như quyết định 1253 về khớp nối quy hoạch chi tiết 1:500 về mật độ đất ở chỉ 35% trong khi đó các quyết định phê duyệt 1:500 mới hay cũ vẫn không đảm bảo theo quy định này. Từ đó, khách hàng không biết sau này có nhận được sổ đúng theo quy định hay không?
Liên quan đến việc khiếu nại khiếu kiện kéo dài xuất phát từ các dự án một lần nữa cho thấy, những bất cập và các lỗ hổng trong mối quan hệ giữa chủ đầu tư- nhà phát triển và khách hàng. Chính sự vội vã của cả ba bên đã để lại những hệ lụy đáng tiếc.
Để khách hàng không rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” khi đầu tư vào một dự án, luật sư Dư Ngọc Thiện (Công ty Luật TNHH Thiện Minh) chia sẻ: Đối với những nhà đầu tư, trước khi tiến hành giao dịch phải đề nghị bên giao kết hợp đồng với mình cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến giao dịch, để mình trực tiếp hoặc nhờ người khác tìm hiểu, kiểm tra đánh giá về tính pháp lý của hồ sơ đó.
Ngoài ra, trước khi giao dịch người mua cần phải thỏa thuận, trao đổi với doanh nghiệp để làm rõ những quy định về chế tài đi kèm với cam kết của doanh nghiệp tại hợp đồng. Bởi vì mỗi cam kết chỉ có giá trị khi có chế tài kèm theo.
Nếu chỉ cam kết suông mà không có chế tài, khi doanh nghiệp vi phạm những cam kết của mình thì hoàn toàn không có cơ sở để xử lý. Khi đó những thiệt hại to lớn của người mua nó, chỉ đánh đổi lại bằng sự uy tín, danh dự của một doanh nghiệp và đây là cái thiệt thòi của người mua.
Bênh cạnh đó, trong vụ án này, dù đã đi đến cùng để bảo vệ quyền lợi của người dân, nhưng vụ việc cũng trở thành bài học đắt giá cho các nhà phân phối trong việc ký kết phát triển BĐS khi dự án pháp lý chưa rõ ràng; đồng thời như hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân, cần phải thận trọng hơn nữa trước khi quyết định “xuống tiền” đầu tư đất ở những dự án thiếu minh bạch.