Thất thoát tài sản nhà nước tại Sagri: Nhiều cán bộ tài chính đã “hướng dẫn” các bị cáo ra sao?

TCty Nông nghiệp Sài Gòn Sagri.
TCty Nông nghiệp Sài Gòn Sagri.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cơ quan chức năng cho rằng những hướng dẫn của một số cán bộ tài chính là một phần nguyên nhân gián tiếp gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, bởi hướng dẫn chưa cụ thể, mập mờ, không đúng bản chất sự việc, dễ gây ra cách hiểu và thực hiện không đúng quy định pháp luật, nên sau khi có hướng dẫn, các bị can đã tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng dự án trái luật. 

VKSNDTC vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 19 bị can trong vụ án sai phạm xảy ra tại TCty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Tham ô tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Che giấu tội phạm”.

19 bị can bị truy tố gồm Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM), Lê Tấn Hùng (cựu TGĐ Sagri), Trần Trọng Tuấn (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP)…

Chiếm đoạt hơn 13 tỷ nhờ “đi” tham quan, học tập

Theo cáo trạng, Hùng, Tuyến và nhiều người khác là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, chủ chốt của UBND TP, Sở Xây dựng, Văn phòng UBND TP, Sagri… Họ được giao trực tiếp quản lý tài sản nhà nước, quản lý nhà nước về đất đai với Khu đất tại Dự án Khu phố 4 (phường Phước Long B, quận 9).

Vì những động cơ khác nhau, các đối tượng đã cố ý thực hiện những hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản nhà nước do Sagri quản lý sang TCty Phong Phú không thẩm định giá và không đưa ra đấu giá, trái luật. Hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 672 tỷ đồng.

Hùng và các đồng phạm khác tại Sagri, Cty Du lịch Thanh niên xung phong, Cty Lữ hành Hòa bình Quốc tế còn thực hiện các hành vi lập khống chứng từ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để tham ô số tiền hơn 13,3 tỷ của Sagri.

Cụ thể, do có nhu cầu cần tiền để sử dụng cá nhân và sử dụng chi tiêu không có chứng từ liên quan hoạt động Cty, cuối 2016, Hùng đã chỉ đạo Nguyễn Thị Thúy (Kế toán trưởng), Nguyễn Thị Tuyết Mai (Trưởng phòng Nhân sự hành chính) ký khống hợp đồng tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài cho cán bộ với Cty Du lịch Thanh niên xung phong và Cty Thương mại dịch vụ Lữ hành Hòa Bình Quốc tế.

Thực hiện những nội dung đã thỏa thuận, Trần Văn Trường (GĐ Cty Du lịch Thanh niên xung phong) ký 6 hợp đồng với Hùng với tổng số tiền gần 5 tỷ. Sau đó Hùng và Thúy đã ký 6 lệnh chi chuyển tiền từ tài khoản Sagri đến tài khoản Cty du lịch.

Sau khi thanh toán, Hùng chỉ đạo cấp dưới liên hệ với Cty du lịch để lấy hết tiền về gửi tiết kiệm. Mai đã liên hệ nhưng Trường chỉ đồng ý chuyển lại 70% số tiền Sagri đã chuyển. 30% còn lại vẫn ở Cty du lịch vì hai bên chưa thống nhất số tiền chia nhau.

Ngay khi nhận được hơn 3,1 tỷ từ Cty du lịch, Thúy và một nhân viên khác mở hai thẻ tiết kiệm. Đến đầu 2017, Hùng chỉ đạo rút hết số tiền trên. Sau khi rút toàn bộ, Hùng giao Thúy và Mai quản lý, không nằm trong hệ thống sổ sách kế toán của Sagri. Số tiền này Hùng chỉ đạo chi tiêu cá nhân và những khoản chi theo lệnh nhưng không có hóa đơn chứng từ.

Tương tự, theo chỉ đạo của Hùng, Mai và Thúy đã thoả thuận với Công ty Lữ hành Hòa Bình Quốc tế, ký khống 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, với tổng trị giá gần 8,4 tỷ. Sau khi nhận tiền, Cty du lịch này đã chuyển lại 70% tổng số tiền trên (tương đương hơn 5,8 tỷ).

Cơ quan chức năng xác định Hùng, Thúy, Mai chiếm hưởng chi tiêu chung gần 9 tỷ đồng và thu lời bất chính từ số tiền lãi ngân hàng của các khoản tiền đã tham ô là hơn 200 triệu đồng. Giám đốc và nhân viên hai Cty du lịch chiếm hưởng hơn 900 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 3,4 tỷ đồng do hai Cty du lịch nêu trên quản lý, các bị can chưa phân chia.

Đầu năm 2017, khi biết có Đoàn Thanh tra TP chuẩn bị tiến hành thanh tra, Hùng đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền bàn bạc, thống nhất với các cá nhân tại hai Cty du lịch trên cùng thực hiện hành vi gian dối, hợp thức hồ sơ, hợp thức dòng tiền để đối phó che giấu hành vi.

Nhà nước thất thoát gần 700 tỷ tại dự án Phước Long B.

Nhà nước thất thoát gần 700 tỷ tại dự án Phước Long B.

Kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều cán bộ liên quan

Liên quan vụ án, VKS cũng làm rõ trách nhiệm của nhiều người liên quan, trong đó có ông Đặng Quyết Tiến (Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp) và bà Phan Thị Hồng (Phó GĐ Sở Tài chính TP HCM).

Theo cáo trạng, tháng 5/2017 Sở Xây dựng có công văn gửi Sở Tài chính và Chi cục Tài chính doanh nghiệp đề nghị có ý kiến về việc chuyển nhượng dự án Phước Long B. Chi cục Tài chính doanh nghiệp có công văn gửi Bộ Tài chính hỏi ý kiến về việc này. Thời điểm đó, ông Tiến đang là Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, thừa lệnh Bộ trưởng Tài chính ký công văn trả lời TP HCM. Trên cơ sở đó, bà Hồng, khi đó là Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, đã có hướng dẫn với Sở Xây dựng.

Cả hướng dẫn của Cục và Chi cục đều có nội dung đề nghị phải tuân thủ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, còn phải thực hiện theo các quy định của pháp luật khác có liên quan. VKS cho rằng cả hai công văn trên đều không nêu rõ việc chuyển nhượng dự án nêu trên phải được thẩm định giá và đấu giá theo quy định pháp luật.

Cơ quan chức năng cho rằng những hướng dẫn đó là chưa cụ thể, mập mờ, không đúng bản chất sự việc, dễ gây ra cách hiểu và thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Bởi sau khi có hướng dẫn, các bị can trong vụ án đã tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng dự án trái luật. VKS cho rằng việc hướng dẫn nêu trên là một phần nguyên nhân gián tiếp gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Ngoài ra, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính TP đã không thực hiện kiểm tra, thanh tra trực tiếp với Sagri. Thậm chí khi dự án đã được chuyển nhượng, Chi cục này nhận được báo cáo từ kiểm soát viên của Sagri nhưng vẫn không có kiến nghị gì.

Theo VKS, hành vi của ông Tiến, bà Hồng và các cán bộ tham mưu đề xuất ký ban hành các văn bản hướng dẫn nêu trên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật về Đảng, chính quyền với những người này.

Đọc thêm

Truy nã quốc tế Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter

Truy nã quốc tế Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter
(PLVN) - Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter) là đồng bọn của Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) đã bị cơ quan CSĐT CATP Hà Nội phối hợp Cảnh sát Interpol ra Quyết định truy nã quốc tế.

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”
(PLVN) - Tiến hành kiểm tra hành chính chỗ ở của một nam thanh niên ở Quảng Nam, lực lượng chức năng phát hiện bộ dụng cụ dùng để sử dụng ma tuý, 1 khẩu súng rulo bên trong có 6 viên đạn. Ngoài ra, đối tượng này còn tàng trữ 22 viên đạn khác và 1 dao tự chế.

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an
(PLVN) -Ngày 21/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Hoàng Khang (39 tuổi, trú tại ấp 6, Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) về hành vi "Chống người thi hành công vụ" theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.

TP HCM: Triệt phá nhiều đường dây ma túy trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm

Giám đốc Công an TP trao khen thưởng cho 11 tập thể, 06 cá nhân các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. (Ảnh: CACC)
(PLVN) - Thực hiện cao điểm trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và cao điểm rà soát đối tượng nghiện, nghi nghiện; đối tượng sử dụng, nghi sử dụng; đối tượng bán và tụ điểm mua bán, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP HCM và các quận/huyện truy xét, triệt phá các đường dây tội phạm về ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; bắt giữ hàng chục đối tượng.