Thiên tình sử đẫm lệ của công chúa Chăm Pa
Tháp Po Sah Inư hay còn gọi là tháp Chăm Phố Hài, tháp Bà Tranh, nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) 7km về hướng đông bắc. Đây là một quần thể gồm 3 tháp được xây dựng từ khoảng thế kỷ VIII - IX.
Ẩn sau công trình hơn nghìn tuổi này là một truyền thuyết cảm động, một thiên tình sử đẫm lệ về nàng công chúa hồng nhan bạc mệnh của vương quốc Chăm Pa xưa, được cộng đồng người Chăm lưu truyền qua nhiều thế hệ. Chuyện xảy ra trước khi tháp Po Sah Inư được xây dựng ít lâu. Khi đó, vua Chăm Pa có một nàng công chúa xinh đẹp và hiền thục tên là Po Sah Inư. Nàng yêu say đắm Po Sahaniempar, một lãnh chúa theo đạo Hồi.
Vượt qua khác biệt tôn giáo, họ đến với nhau trong sự chúc mừng của cả hai vùng. Thế nhưng cuộc sống êm đẹp đó diễn ra chưa được bao lâu thì Po Sahaniempar phải trở về nguyên quán Ấn Độ một thời gian. Công chúa Pô Sah Inư buồn thương tiễn bước chân chồng đang rời xa, không quên lời nguyện ước sẽ đợi chàng chính nơi tiễn đưa khi chàng quay lại. Nhưng sự đời vốn phũ phàng. Em trai của công chúa là thái tử Po Dam là người ghét những người ngoại đạo nên đã lên kế hoạch chia rẽ đôi uyên ương trong ngày tái ngộ.
Vào dịp Lễ hội Kate hàng năm, tháp chính thờ thần Shiva sẽ được mở để diễn ra lễ tắm bệ thờ ngẫu vật Linga - Yoni |
Dưới sự dàn xếp của thái tử Po Dam, Po Sahaniempar sau chuyến hành hương quay trở về những mong đoàn tụ cùng người vợ Po Sah Inư xinh đẹp nhưng lại không thấy nàng ra đón mừng như lời thề trước lúc ly biệt. Không những thế, lúc này Po Sahaniempar lại nghe những lời dèm pha ác ý nên nghĩ rằng mình đã bị ruồng bỏ. Thế là chàng buồn bã từ bỏ mảnh đất đầy kỷ niệm của hai người mà xuôi về phương Nam. Cuối cùng, trái tim chàng bị lay động bởi một người con gái khác, đó là nàng Chargo kiều diễm người dân tộc Raglây.
Về phần Po Sah Inư, sau khi biết những chuyện em trai của mình làm để chia rẽ hai người đã vội vã đi tìm chồng để thanh minh mong được nối lại tình duyên. Nhưng đã quá muộn, tình yêu của Po Sahaniempar đã vĩnh viễn không còn thuộc về nàng. Cuối cùng, Po Sah Inư đành buồn bã quay lại quê hương. Nàng sống bình lặng và chỉ dạy cho nhân dân cách trồng lúa nước, dệt vải thổ cẩm, trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt hải sản. Cuộc sống những năm cuối đời của nàng trôi qua cùng niềm đau chôn giấu trong trái tim.
Sau khi Po Sah Inư mất, để tưởng nhớ đến đức hạnh cũng như tài năng của công chúa, các thần dân Chăm Pa đã xây đền tháp thờ nàng. Đó chính là tháp Po Sah Inư, với vẻ đẹp kiến trúc vẫn còn được gìn giữ sau biết bao đổi thay thời cuộc. Trong suốt nhiều thế kỷ, hàng năm cứ vào mùa vụ Katê (ngày 1/7 theo lịch Chăm, trong khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch), người Chăm trong vùng lại tổ chức lễ hội ăn mừng múa hát tại tháp Po Sah Inư để tôn vinh công đức của nàng công chúa xinh đẹp giàu lòng nhân hậu.
Kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Tháp Po Sah Inu là một quần thể kiến trúc có giá trị nghệ thuật và văn hóa sâu sắc. Nơi đây thể hiện một phần lịch sử về thời kỳ hưng thịnh của vương quốc Chăm Pa. Quần thể tháp này có phong cách kiến trúc Hòa Lai, một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chăm Pa. Hiện nay, tháp Po Sah Inư còn 3 tòa tháp: tháp chính, tháp vừa và tháp nhỏ.
Tháp chính cao 15m được chia thành 3 tầng, có một cửa chính hướng về phía đông, đây là hướng cư ngụ của các vị thần linh theo truyền thuyết Chăm Pa. Tháp này còn được thiết kế thêm 3 cửa giả ở các hướng tây, nam, bắc. Cửa Tây được chạm khắc trang trí bằng những hoa văn và hình tượng khá lạ mắt với lối kiến trúc có tính đối xứng đồng dạng.
Bên trong tháp chính thờ thần Shiva với bộ Linga - Yoni bằng đá trơn, biểu tượng của cơ quan sinh dục nam - nữ, vật linh thiêng nhất của người Chăm thể hiện khát vọng sinh sôi và phát triển. Tháp nhỏ với chiều cao khiêm tốn chỉ khoảng 5m, nằm ngay cạnh tháp chính, có một cửa duy nhất hướng về phía đông và bên trong thờ thần Lửa.
Theo thời gian những họa tiết trang trí trên tháp này chỉ còn lại những đường nét gốc khá đơn giản. Tháp vừa cao khoảng 12m, nằm cách tháp chính khoảng 50m, tháp thờ thần Bò Nandin, một vật cưỡi của vị thần nổi tiếng linh thiêng Shiva. Tháp được thiết kế tương tự như tháp chính, nhưng các họa tiết trang trí đơn giản hơn. Phần nền gạch của tháp Po Sah Inư cho thấy công trình kiến trúc rộng lớn như một ngôi đền với nhiều tầng bậc. Những viên gạch ở tháp được sắp đặt khéo léo vào nhau mà không cần một lớp vôi vữa nào vẫn liên kết với nhau chắc chắn một cách đặc biệt.
Tháp Po Sah Inư có mặt hình vuông, cũng giống như các kiểu kiến trúc tháp khác càng lên cao thì đầu càng nhỏ lại, cửa tháp được thiết kế bằng nhiều hình vòm cong tạc nhiều họa tiết tinh tế, kỹ xảo. Vào cuối thế kỷ XX, trong một cuộc khai quật khảo cổ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một tháp lớn hơn rất nhiều so với 3 tháp nói trên, nhưng đã bị chôn vùi dưới lòng đất cách đây hơn 300 năm.
Khó ai có thể lý giải điều này, nhưng cũng đã phần nào cho thấy tại đây đã từng hình thành nên những công trình kiến trúc vô cùng đặc sắc và ý nghĩa. Trải qua hơn 1.200 năm, những gì mà tháp Po Sah Inư còn lại ngày này đều là những giá trị đặc biệt, vô giá. Chính từ điều này mà vào năm 1991, tháp Po Sah Inư được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Với vẻ đẹp huyền bí, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tháp Po Sah Inư là một trong những điểm du lịch đặc sắc ở tỉnh Bình Thuận. Hàng ngày, Ban Quản lý tháp Pô Sha Inư vẫn mở cửa đón khách du lịch thập phương đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính chứa đựng nhiều bí ẩn về nghệ thuật xây dựng của người Chăm xưa. Ngoài ra, tháp tọa lạc trên đồi Bà Nài, đứng nơi đây du khách có thể phóng tầm mắt nhìn lầu Ông Hoàng, nơi hẹn hò khi xưa của thi sĩ Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm. Bên cạnh đó, du khách còn thỏa thích ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên, với phía trước tháp là biển xanh, phía sau hướng về TP Phan Thiết.
Nếu du khách đến đây vào dịp lễ hội Katê, lễ hội lớn nhất trong năm của cộng đồng người Chăm ở tháp Po Sah Inư sẽ được chứng kiến những nghi thức lễ hội vô cùng long trọng, độc đáo. Theo đó, dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo, lễ rước y trang của nữ thần Po Sah Inư diễn ra nghiêm trang nhưng không kém phần đặc sắc, với dòng người hòa trong tiếng trống, điệu múa… kéo dài từ sân lễ lên tháp chính, tái hiện Tết Katê độc đáo và lâu đời của người Chăm.
Tiếp nối là các nghi lễ mở cửa tháp chính, nghi thức tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục và đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính. Tháp Po Sha Inư không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Chăm, mà nó còn góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa lịch sử Việt Nam nói chung và văn hóa lịch sử tỉnh Bình Thuận nói riêng.