Muốn nhanh phải đi… đường vòng
Thông tin này được chia sẻ tại Hội thảo “Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp Việt Nam” do Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp tổ chức mới đây.
Thống kê của Quỹ Đầu tư ThinkZone cho thấy, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp (DN) ĐMST tại Việt Nam trong năm 2021 đạt 1,4 tỷ USD. Trong đó, khoảng 90% là vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện có một “nghịch lý” là các quỹ đầu tư này sẽ không rót vốn trực tiếp vào các DN khởi nghiệp và ĐMST tại Việt Nam. Họ thường yêu cầu DN Việt Nam lập pháp nhân mới tại các quốc gia khác, thông thường là Singapore, để rót vốn vào những DN này. Sau khi nhận được vốn, các DN tại Singapore sẽ quay trở lại đầu tư vào DN tại Việt Nam.
Theo ông Thẩm Trung Hiếu, chuyên gia pháp lý của ThinkZone, điều này đang gây ra những khó khăn nhất định cho các quỹ đầu tư cũng như DN nhận đầu tư vì cùng lúc phải thực hiện 2 lần thủ tục, bao gồm: đầu tư ra nước ngoài và đầu tư vào Việt Nam... “Khó khăn như vậy chắc chắn sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nói chung và quỹ đầu tư mạo hiểm nói riêng” - ông Hiếu nhận định.
Đại diện ThinkZone cho rằng, mặc dù Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo có quy định cho phép thành lập quỹ đầu tư tại Việt Nam nhưng hiện vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” khiến hoạt động của quỹ tại Việt Nam rất khó khăn do không phù hợp với thực tiễn. Đó là quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân; quỹ đầu tư chỉ được phép do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập; và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được đầu tư quá 50% vốn điều lệ của DN ĐMST hay phải kê khai các ngành nghề của các DN ĐMST mà quỹ đầu tư sẽ thực hiện đầu tư...
“Thực tế cho thấy quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đóng vai trò chủ đạo trong việc cấp vốn cho các DN khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần khai thông cơ chế để hút vốn từ các quỹ đầu tư này” - đại diện ThinkZone đề nghị.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu, vấn đề lo lắng nhất hiện nay của DN không phải là công nghệ hay người sử dụng mà chính là những rủi ro liên quan tới thể chế hay pháp lý. Do vậy, dù có đưa ra nhiều quy định hỗ trợ quỹ phát triển thì theo ông Phan Đức Hiếu, quỹ cũng khó phát triển trong thực tế nếu thiếu hệ sinh thái rộng lớn. “ĐMST cần được đảm bảo dựa trên nguyên tắc quyền tự do kinh doanh…” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Sẽ có bộ tiêu chí đánh giá tác động của đổi mới sáng tạo
Chia sẻ về Nghị định 38/2018/NĐ-CP, bà Bùi Thu Thủy, Cục phó Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) cho biết, Nghị định được ban hành năm 2018 nhằm đưa ra những định nghĩa rõ ràng nhất về khởi nghiệp và ĐMST để từ đó có tiêu chí rõ ràng và cụ thể về đầu tư trong lĩnh vực này. Cũng theo bà Thủy, năm 2012 đến nay, số lượng DN startup đã tăng từ 400 lên 4.000 DN.
“Dù các cơ quan, bộ, ngành đã rất nỗ lực nhưng khung pháp lý hiện nay vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, triển khai thể chế còn chậm với thực tế…” - Đại diện Cục Phát triển DN thẳng thắn nhìn nhận đồng thời cho biết, các đơn vị trong Bộ KH&ĐT làm việc với các quỹ đầu tư để thảo luận về những vấn đề vướng mắc hiện nay và giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, theo bà Thủy, các ưu đãi và hỗ trợ trong lĩnh vực này còn liên quan tới các bộ, ngành khác…
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số DN ĐMST (BII) và khung chỉ số đo lường ĐMST khu vực công trong các cơ quan Trung ương và địa phương (PSII). Đây là những bộ chỉ số quan trọng, giúp Việt Nam đánh giá được thực trạng ĐMST trong khu vực công cũng như khu vực tư, từ đó có những giải pháp, chính sách phù hợp thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp toàn nền kinh tế.
Cũng theo Giám đốc NIC, sẽ có 9 nhóm tiêu chí đánh giá mức độ ĐMST tại DN. Trước mắt, bộ tiêu chí này sẽ được thí điểm tại Hà Nội, sau đó sẽ được hoàn thiện để tiến tới áp dụng trên cả nước. “NIC xây dựng bộ tiêu chí này nhằm giúp DN tự đánh giá mức độ ĐMST, để phát hiện những vấn đề còn thiếu, yếu và có giải pháp khắc phục. Thông qua bộ chỉ số này, NIC sẽ thống kê, tổng hợp về ĐMST ở DN; qua đó sẽ nêu kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn…” - ông Huy nói.