Thanh xuân này em dành cho ai?

Dù nhiều khó khăn, nhưng các nữ cầu thủ môn thể thao “vua” vẫn cố gắng thi đấu hết mình
Dù nhiều khó khăn, nhưng các nữ cầu thủ môn thể thao “vua” vẫn cố gắng thi đấu hết mình
(PLVN) - Chiều tháng Mười hai, chuyến xe rời Hà Nội mang theo một cô gái với nỗi buồn vô hạn. Chấn thương của cô đã trở thành mãn tính, cơ hội phẫu thuật thành công chỉ là 40/60. Nếu ra nước ngoài chữa trị thì cơ hội thành công sẽ nhiều hơn và có thể hoàn toàn bình phục. Nhưng đó là điều xa vời, chi phí phẫu thuật trong nước cô còn chưa chắc đủ chứ chưa nói gì tới việc ra nước ngoài chữa trị.

Vài tháng sau, trong một chuyến công tác tình cờ gặp lại, tôi hỏi: “Em đã nghĩ đến chuyện từ bỏ chưa?”. Cô gái ấy mỉm cười đáp lại: “Em cũng từng nghĩ tới chuyện từ bỏ nhưng bây giờ nếu bỏ bóng đá em chẳng biết làm gì cả. Thế nên em phải tiếp tục thôi anh à, con đường này em không có đường lui nữa”. Tôi biết đằng sau nụ cười ấy của em là nỗi buồn thăm thẳm và em đã cố gắng để vượt qua nó. Rồi em sẽ giống như các đồng đội, cô gái đá bóng khác. Em bắt đầu buổi tập luyện bằng thuốc giãn cơ và kết thúc bằng việc ném mình vào nước đá lạnh căm.

Những cô gái bỏ hết tất cả để theo đuổi đam mê với trái bóng như em lúc này đã không còn có thể quay đầu lại nữa. Em phải đi theo nó, phải sống chung với những chấn thương đã trở thành mãn tĩnh. Rồi những đêm trái nắng trở trời, em âm thầm nếm chịu cơn đau giày vò nơi vết thương kia, nuốt nước mắt vào trong và bắt đầu buổi tập vào ngày mai theo cách em đã làm mấy tháng qua. Thoa thuốc và tập.

 

Em không phải là cô gái duy nhất như vậy

Đồng đội của em không thiếu những người như vậy. Họ cũng gặp phải những chấn thương mãn tính. Họ cũng thoa thuốc, băng tay, băng gối giảm đau trước khi tập. Tại sao không thể chữa trị? Không thể phẫu thuật? Với đồng lương đội một chỉ khoảng 6 triệu một tháng như em liệu sẽ để ra bao nhiêu? Liệu nó có đủ cho một lần phẫu thuật?

Bóng đá nữ là vậy đó, bạc vậy đó. Nhưng những người như em không còn con đường lùi nữa. Em đã ra đi từ nơi đá sói nhiều hơn đất để chạy theo đam mê, lý tưởng. Ở tuổi của em khi bạn bè cắp sách tới trường thì em đổ mồ hôi trên sân tập, phơi mình cho nắng, cho mưa. Với những cô gái như em, họ chờ đợi một may mắn - may mắn được gọi lên đội tuyển quốc gia. Ở đó sẽ có những bác sĩ tốt hơn, chế độ chăm sóc tốt hơn và quan trọng là sẽ kiếm được một khoản tiền lớn hơn đồng lương ở câu lạc bộ. 

Nén đau chăm chỉ tập luyện, được ra sân thi đấu, giành huy chương hay thành tích đáng kể sẽ có thêm một số tiền nữa. Khi đó em mới dám nghĩ đến một đôi giày mới, một đôi găng hay một bộ đồ tập mới và thêm một chút gửi về nhà phụ bố mẹ ở quê. Nhưng rồi tuyển quốc gia không phải lúc nào cũng thi đấu. Em trở về câu lạc bộ và tiếp tục sống chung với chấn thương đã nặng nề hơn do cố gắng quá nhiều. Nghỉ một thời gian, tập luyện hồi phục để hy vọng chấn thương cũ đỡ một chút để rồi tiếp tục được gọi lên tuyển.

 

“Chấn thương không phải là nỗi lo duy nhất của những tuyển thủ như em”

Tuổi đôi mươi có thể được coi là độ tuổi tuyệt vời nhất của người con gái. Ở đó họ có cho mình những mối tình lãng mạn, có được cảm giác tán tỉnh của những chàng trai. Đi du lịch cùng người mình yêu hay làm đôi chút chuyện điên rồ của tuổi trẻ. Nó không xảy ra với những cô gái đá bóng như em. Tuổi thanh xuân của em là những ngày tập luyện hối hả, là những ngày phơi nắng trên sân cỏ, dầm mưa trong những trận đấu để dành chiến thắng.

“Vừa đen, vừa xấu, vừa vô duyên và lại giống đàn ông như em có ma nó lấy” đó là lời em nói với tôi trong một buổi phỏng vấn về ngày 08/03. Thậm chí trước khi tôi kịp phỏng vấn em đã tếu táo nói: “Năm nay, em vẫn chưa có người yêu đâu nhé. Anh đừng hỏi có người yêu hay chưa, hỏi hoài, năm nào cũng hỏi”. Đó là một câu nói đùa nhưng cũng là sự thật với những cô gái theo nghiệp quần đùi áo số. Em và những lứa đàn chị đã đánh đổi quãng thời gian đẹp nhất của đời người con gái để mang về cho đất nước tới vinh quang trên đấu trường châu lục. Nhưng để rồi nhận lại được gì?

Một chiều mưa tầm tã tháng 7, các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam vẫn lao vun vút trên sân tập liên đoàn bóng đá Việt Nam. Họ được phép dừng lại, họ được phép nghỉ ngơi và bắt đầu tập luyện vào ngày mai khi trời hết mưa. Nhưng họ đã không làm vậy, bởi vinh quang sẽ không dừng lại để chờ đợi họ. Đối thủ của họ ở giải đấu sắp tới sẽ chẳng chờ họ. Và rồi ở giải đấu năm ấy, HLV Mai Đức Chung và các học trò giành tấm huy chương vàng SEA Games. Còn U23 nam trở về sau thất bại tại vòng bảng. Khi ấy, đã rất nhiều người lên tiếng muốn dẹp bỏ bóng đá nam để đầu tư cho bóng đá nữ. Trong cơn giận dữ và điên cuồng ấy người ta suy tôn bóng đá nữ như những vị thánh. 

Nhưng rồi lời nói gió bay, lượt về vô địch quốc gia bóng đã nữ diễn ra sau đó vài tháng vẫn là khán đài trống vắng đến kỳ lạ. Những người ủng hộ trước đây đã đi đâu? Vinh quang ngày hôm đó đã chẳng làm thay đổi bóng đá nữ. Giải đấu vốn vẫn diễn ra lặng thầm, im ắng như chưa từng tồn tại nay lại càng thêm phần bi tráng.

 

Trong một lần phát biểu, HLV Mai Đức Chung đã từng nói: “Bóng đá nữ vẫn luôn như vậy. Rất ít người quan tâm và tìm hiểu về bóng đá nữ. Nhưng chúng tôi không quan trọng điều đó. Khán giả đến sân xem và ủng hộ là đã quý lắm rồi. Dù khán giả ít hay nhiều chúng tôi vẫn cố thi đấu hết mình”. Nói như vậy nhưng, tôi biết thầy Chung buồn lắm. Các học trò của ông cứ dần rơi rụng theo năm tháng. Nhiều học trò không thể chịu đựng được kham khổ để theo đuổi đến cùng đam mê với trái bóng. Thậm chí nhiều tài năng triển vọng, cầu thủ chủ lực bỗng dưng nghỉ để đi tìm công việc khác, để xuất khẩu lao động. Lúc ấy chắc ông cũng đau lòng lắm nhưng đành bất lực.

Và rồi những lần như thế, ông lại bắt buộc phải “trẻ hóa đội hình”, phải xây dựng lại từ đầu để đảm bảo thành tích cho bóng đá nữ Việt Nam. Nhưng ông chưa bao giờ trách cứ các học trò của mình cả. Khi biết tin học trò nghỉ thi đấu, ông gọi điện thậm chí tìm gặp trực tiếp để thuyết phục họ thi đấu nốt một vài giải đấu cận kề trước khi nghỉ hẳn. 

Cuộc đời chẳng có chứ nếu hay giá như cả, nhưng nếu có tôi sẽ ước bóng đá nữ được quan tâm đúng mực hơn. Những cô gái đá bóng bớt cực khổ hơn và có được điều kiện tập luyện chữa trị tốt hơn, xứng đáng với những năm tháng thanh xuân mà họ đã đánh đổi.

Đọc thêm