Ông Lê cho rằng gia đình ông đã cư trú ổn định, liên tục tại nhà số 112B khu tập thể C1 Thanh Xuân Bắc từ nhiều năm, đã được cấp sổ hồng.
“Bất ngờ, ngày 3/10/2022, gia đình tại phòng 212-C1 trong khi cải tạo sửa chữa đã tự ý đập phá bức tường mặt tiền (phía trước) của gia đình tôi đã xây dựng từ hơn 20 năm trước”, ông Lê nói.
Cho rằng hành vi trên đã phá hoại, làm hư hỏng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của gia đình mình, ông Lê đã có đơn gửi UBND phường Thanh Xuân Bắc đề nghị giải quyết sự việc.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Điệp, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc cho biết, sau khi nắm bắt sự việc, phường đã có chỉ đạo và yêu cầu bà Dương Bích Hà khôi phục lại hiện trạng ban đầu, xây dựng lại phần tường đã đập phá của gia đình ông Lê.
Đến ngày 1/11, bà Hà vẫn chưa thực hiện theo chỉ đạo, yêu cầu của UBND phường. Trước tình hình này, sau khi trao đổi, lên phương án, lãnh đạo phường đã tìm người xây lại góc tường cho gia đình ông Lê, mọi chi phí bà Hà phải chi trả, Chủ tịch UBND phường cho biết.
Tuy nhiên, đến ngày 5/11, bà Hà lại tiếp tục cho người đập phá góc tường nhà ông Lê mới được xây lại.
Để giải quyết sự việc, ngày 8/11, UBND phường đã tổ chức buổi làm việc giữa ông Lê và bà Hà. Theo biên bản làm việc thì ông Lê có yêu cầu bà Hà xây trả lại phần tường đã tự ý phá dỡ trước đó. Còn bà Hà cho rằng mình không phá bức tường nhà ông Lê mà đó là bức tường nhà ông Phú.
Về phía UBND phường, sau khi ghi nhận ý kiến của các bên, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND phường đề nghị 2 gia đình tự hoà giải, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của bức tường xong trước ngày 20/11/2022.
Ông Lê cho rằng, một số cán bộ phường đã thiếu trách nhiệm, dẫn đến sự việc ngày càng “leo thang”, kéo dài, xâm hại đến quyền, lợi ích của gia đình ông. Vì vậy, ông mong muốn UBND phường Thanh Xuân Bắc cũng như quận Thanh Xuân sớm có chỉ đạo để giải quyết triệt để sự việc nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của gia đình ông.
Nhận định sự việc, Luật sư (LS) Nguyễn Thị Trang (Đoàn LS Hà Nội) cho biết, phá hoại tài sản là hành vi cố ý làm cho tài sản của người khác bị hư hại, giảm giá trị hoặc mất giá trị sử dụng hoặc khó có khả năng khôi phục lại. Hành vi này được thể hiện bằng nhiều phương thức khác nhau nhưng điển hình nhất là đập, phá đồ đạc, tài sản của người khác.
“Tùy thuộc vào mức độ hành vi và hậu quả, người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự về tội "Phá hoại, hủy hoại, hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác" theo Điều 178 Bộ luật Hình sự”, LS nói.
“Trường hợp hành vi phá hoại tài sản của người khác nhưng chưa cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 đến 5 triệu đồng theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP”, vẫn lời LS.
“Theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, UBND phường Thanh Xuân Bắc cần xem xét lập biên bản, xử phạt hành chính để ngăn chặn, mang tính răn đe, phòng ngừa hành vi tương tự có thể xảy ra. Tôi cho rằng cơ quan chức năng quận Thanh Xuân cần sớm có chỉ đạo để xử lý, giải quyết dứt điểm sự việc”, lời LS Trang.