Giai đoạn 2016 - 2020, ngành BHXH chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 75.785 đơn vị; trong đó thực hiện TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT tại 35.060 đơn vị. Qua TTCN, phát hiện và yêu cầu đơn vị lập hồ sơ đăng ký tham gia, đóng bổ sung thời gian cho 106.590 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian với số tiền truy thu 405,6 tỷ đồng; đóng bổ sung mức đóng cho 133.655 lao động với số tiền truy thu 258,4 tỷ đồng; yêu cầu khắc phục số tiền nợ 8.955,6 tỷ đồng.
Qua từng năm, công tác TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT đã có chuyển biến mạnh mẽ cả chất và lượng, số đơn vị được thanh tra tăng dần theo từng năm chủ yếu tập trung vào các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT.
Từ 2016 đến 2020, thông qua công tác TTCN, ngành đã ban hành và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành 2.103 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 114,5 tỷ; số đã thu hồi thông qua việc các đơn vị chấp hành quyết định xử phạt là 30,3 tỷ đồng.
BHXH Việt Nam cho biết, kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện chức năng TTCN đã khẳng định vị trí, năng lực hoạt động của hệ thống thanh tra ngành BHXH. Việc này đã góp phần không nhỏ vào hiệu quả của công tác phát triển đối tượng, đảm bảo thu đúng, thu đủ và giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH, bảo vệ kịp thời quyền lợi người lao động, góp phần đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, qua công tác TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT, ngành đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Như đề xuất với Bộ Tư pháp về quy định với thẩm quyền xử phạt VPHC và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC trong Luật Xử lý VPHC sửa đổi bổ sung năm 2019.
Đồng thời, đề xuất Bộ LĐTB&XH bổ sung, sửa đổi một số hành vi vi phạm trong Nghị định 95/2013/NĐ-CP (nay là Nghị định số 28/2020) về xử phạt VPHC trong lĩnh vực BHXH và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài; đề xuất Bộ Y tế bổ sung, sửa đổi một số nội dung về hành vi và mức xử phạt về BHYT trong Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế (nay là Nghị định số 117/2019/NĐ-CP)…
BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh BHXH địa phương trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ và rà soát bổ sung các tính năng trong phần mềm nghiệp vụ để cảnh báo, hạn chế sai sót trong thực hiện nghiệp vụ của BHXH địa phương.
Ngành BHXH đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ làm công tác TTCN, đầy đủ điều kiện, năng lực, đáp ứng yêu cầu thực hiện vụ TTCN không chỉ dừng lại ở lĩnh vực TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT; mà còn trong việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN, BHYT. Đội ngũ này không chỉ là công chức, viên chức của hệ thống thanh kiểm tra, mà còn là viên chức của các phòng nghiệp vụ thu, sổ thẻ; chế độ BHXH; giám định BHYT và các viên chức lãnh đạo cấp huyện đã được đào tạo nghiệp vụ TTCN.
Sau 5 năm cơ quan BHXH thực hiện chức năng TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT; cho thấy đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Hiệu quả hoạt động TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT của cơ quan BHXH đã nhìn thấy rõ rệt, khác biệt, làm thay đổi nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHTN, BHYT của chủ sử dụng lao động, tỷ lệ nợ BHXH giảm theo từng năm, quyền lợi người lao động được đảm bảo, chế độ được giải quyết kịp thời, đúng, đủ.
Kết quả nói trên cũng là cơ sở thực tiễn cho thấy cơ quan BHXH có đầy đủ khả năng, nhân lực và nguồn lực thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Đồng thời, một số ý kiến cho rằng, nếu BHXH được giao chức năng TTCN toàn diện sẽ kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận để hưởng chế độ hoặc lạm dụng, trục lợi quỹ, trong đó đặc biệt là ngăn chặn việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, tiến tới cân đối quỹ BHYT. Từ đó, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng và góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.