Nhiều nội dung kết luận VNR bỏ “ngoài tai”
TTCP chỉ rõ, với những nội dung đã thực hiện theo Kết luận số 222/KL-TTCP, VNR đã kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm được nêu tại kết luận thanh tra trước đó. VNR cũng đã điều chỉnh lại số liệu sổ sách về vốn với giá trị 221.952 triệu đồng (trong đó, khối hạ tầng là 135.549 triệu đồng, khối vận tải là 86.403 triệu đồng).
Ngoài ra, VNR đã nộp ngân sách khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền 28.594 triệu đồng, đã thực hiện rà soát đối với 2 khoản đánh giá ngoại tệ cuối năm tài chính trị giá 32.991 triệu đồng.
Với những nội dung VNR đang thực hiện, theo TTCP, VNR đang kiện toàn lại hệ thống quản trị doanh nghiệp, trên cơ sở sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo phân định rõ giữa quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư, sắp xếp phòng ban chuyên môn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
VNR cũng đã báo cáo Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án cơ cấu lại VNR. Đơn vị cũng đang thực hiện việc rà soát việc quản lý sử dụng đất đai để thanh lý hợp đồng và xử lý những trường hợp sai mục đích, tranh chấp; phối hợp với các địa phương có đường sắt đi qua thực hiện cắm mốc giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý đất đai dành cho công trình và hành lang bảo vệ đường sắt.
Tuy nhiên, TTCP cũng chỉ rõ những nội dung VNR chưa thực hiện trong kết luận thanh tra. Theo đó, VNR chưa hoàn thành kiến nghị về hạch toán giá vốn ray Áo với giá trị 44.997 triệu đồng; Chưa xử lý khoản chi phí thanh toán cho Công ty Cổ phần Công trình đường sắt 3.463 triệu đồng; Chưa thực hiện hạch toán nghiệp vụ kinh doanh với Dự án ray Áo với giá trị 667.629 triệu đồng.
Yêu cầu thu hồi 2 lô “đất vàng” dùng sai mục đích
Đáng chú ý, TTCP yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, VNR và UBND TP Hà Nội xử lý các sai phạm liên quan đến việc VNR góp vốn kinh doanh ngoài ngành, bằng quyền cho thuê đất và tài sản trên đất đối với lô đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.
Trong đó, yêu cầu VNR thu hồi tài sản về cho Nhà nước, giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan theo quy định pháp luật. “Bộ GTVT cùng Bộ Tài chính lập phương án sử dụng hai lô đất trên đảm bảo hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước”, TTCP đề nghị.
TTCP cũng kiến nghị Bộ GTVT và VNR thực hiện kiểm điểm xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản trên đất đối với hai lô đất trên.
“Trong đó, VNR phải làm rõ việc quản lý nợ phải thu, quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, văn bản nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 26/8/2016, Tổng TTCP có Kết luận 2222/KL-TTCP về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNR và một số đơn vị thành viên. Kết luận được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý và chỉ đạo các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện (tại Văn bản 423/TB-VPCP ngày 22/12/2016 của Văn phòng Chính phủ).
Theo đó, 2 lô đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu được Nhà nước cho VNR thuê và hết hạn từ năm 1996; nhưng VNR vẫn góp vốn bằng quyền sử dụng 2 lô đất trên với Công ty TNHH Hà Thành để thành lập Công ty TNHH khách sạn thương mại Sài Gòn.
TTCP xác định VNR đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.