Bên cạnh chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra của Bộ Công an, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các tổ chức, cá nhân liên quan (thời kỳ 2010-2016) theo phân cấp cán bộ đã để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm trong việc chuyển đổi quỹ đất công, các cơ sở nhà đất…
Bán đất không đấu giá, lách thuế gây thất thoát ngân sách
Kết luận TTCP chỉ rõ, qua kiểm tra 31 cơ sở nhà đất TP Đà Nẵng bán lại cho bên thuê, phát hiện có 4 cơ sở nhà đất theo quy định phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhưng UBND TP Đà Nẵng lại ký hợp đồng cho thuê và ngay sau đó làm thủ tục bán lại cho bên thuê (Công ty TNHH Minh Hưng Phát đối với cơ sở nhà đất số 47 Nguyễn Thái Học và số 2 Hải Phòng; Công ty Cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc với cơ sở nhà đất số 39 Pasteur và số 73 Nguyễn Thái Học). Việc UBND TP Đà Nẵng bán 4 cơ sở nhà đất trên cho bên thuê không qua đấu giá là vi phạm Điều 58 Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ kiểm tra 4 cơ sở là các khu tập thể xuống cấp, phát hiện 2 cơ sở được UBND TP Đà Nẵng bán trực tiếp để bên mua sử dụng với mục đích thương mại dịch vụ, không phù hợp với tiêu chí ban đầu (124 Bạch Đằng và số 10 Trần Quý Cáp) và không thông qua đấu giá là vi phạm pháp luật.
Đồng thời, theo TTCP, từ năm 2010-2016, UBND TP Đà Nẵng đã cho thuê, giao đất 50 năm và hoán đổi đối với 5 cơ sở nhà đất với tổng diện tích đất là 5.548m2. Việc UBND TP Đà Nẵng cho thuê 50 năm đối với nhà đất số 16 Bạch Đằng (1.799m2) sau khi được TP phê duyệt giá khởi điểm để đưa ra đấu giá, là chưa đủ cơ sở pháp lý. Việc UBND TP Đà Nẵng phê duyệt giá thuê đất cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 thấp hơn rất nhiều so với giá khởi điểm, không phù hợp quy định của Luật Đất đai.
TTCP cũng kết luận việc xác định giá thu tiền SDĐ khi chuyển đổi quỹ đất công, các cơ sở nhà đất sang mục đích khác chưa sát với giá thị trường, chưa thực hiện đúng các phương pháp xác định giá theo quy định. Việc UNND TP Đà Nẵng cho phép giảm 10% tiền SDĐ là vi phạm quy định tại Nghị định 198 của Chính phủ.
Qua kiểm tra 52 cơ sở nhà đất và 2 dự án cho thấy địa phương này chưa thực hiện truy thu số tiền giảm sai quy định là hơn 63,8 tỉ đồng. Đà Nẵng cũng giảm 10% tiền SDĐ để hỗ trợ lãi suất cho người sử dụng là không phù hợp. Việc làm của địa phương này đã gây thất thu ngân sách số tiền hơn 22,3 tỉ đồng. Do đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TP Đà Nẵng thu nộp về ngân sách số tiền hơn 139,9 tỉ đồng
TTCP còn cho biết, qua kiểm tra 52 cơ sở nhà đất cho thấy việc xác định giá chuyển QSDĐ có nhiều sai phạm. Đơn cử, tại nhà đất số 34 Bạch Đằng (1.421m2), UBND TP Đà Nẵng xác định giá trị tiền SDĐ thấp hơn nhiều so với cơ sở nhà đất có vị trí, diện tích tương tự.
Tại cơ sở nhà đất số 5 Trần Phú hoán đổi cho ông Nguyễn Hữu Đức, giá trị tiền SDĐ được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt 51,3 triệu đồng/m2. Tại cơ sở nhà đất 48 Nguyễn Du (chủ đầu tư đã xây dựng Trường mầm non chất lượng cao Sky-Line Đà Nẵng), việc xác định giá thu tiền SDĐ không có cơ sở, làm giảm số tiền SDĐ phải nộp gần 12 tỉ đồng…
Người thân Vũ “nhôm” đứng tên nhiều nhà đất công sản
Với kết luận nêu trên, TTCP chỉ rõ trách nhiệm của việc xác định giá để thu tiền SDĐ khi chuyển đổi quỹ đất công, các cơ sở nhà đất chưa thực hiện đúng quy định, gây thất thoát ngân sách nhà nước thuộc về UBND TP Đà Nẵng, các sở Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên - môi trường.
Vì thế, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND TP Đà Nẵng xác định lại giá thu tiền SDĐ đối với các cơ sở nhà đất được giảm hệ số sinh lợi không có căn cứ. Ngoài ra, cần chấn chỉnh công tác xác định, thẩm định và phê duyệt giá chuyển QSDĐ, việc tổ chức đấu giá QSDĐ, chuyển đổi mục đích SDĐ, miễn giảm tiền SDĐ và cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trong kết luận thanh tra việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP Đà Nẵng, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh đối với 10 cơ sở nhà đất đã được TTCP chuyển hồ sơ, tài liệu, đều có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm”).
Trong đó, 2 cơ sở nhà đất ở số 37 và 39 đường Pasteur, tại số 100 Bạch Đằng, số 2 Hải Phòng, số 47 Nguyễn Thái Học đều được UBND TP Đà Nẵng bán lại cho bên thuê, nhưng không thông qua hình thức đấu giá. Địa phương này đã ký hợp đồng cho thuê đối với bên thuê, sau đó bán lại cho chính bên thuê mà không đấu giá.
Những cơ sở nhà đất còn lại có liên quan đến Vũ “nhôm” đã được TTCP chuyển hồ sơ tài liệu sang Bộ Công an gồm: Số 73 Nguyễn Thái Học, 16 Bạch Đằng, 318 Lê Duẩn, 57 Lê Duẩn và 121 Phan Châu Trinh. Hai cơ sở 57 Lê Duẩn và 121 Phan Châu Trinh đứng tên chuyển nhượng là Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng. Tuy nhiên, Công ty này đã “bắt tay” với Vũ “nhôm” trong việc thâu tóm đất công tại Đà Nẵng. Một số lãnh đạo của công ty này hiện đã bị khởi tố để điều tra do có liên quan đến Vũ “nhôm”.
Theo TTCP, cơ sở nhà đất số 16 Bạch Đằng (diện tích hơn 1.799 m2) được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt cho Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm” thuê thời hạn 50 năm thấp hơn nhiều so với giá khởi điểm. Lô đất này công ty của Vũ “nhôm” được thuê với giá hơn 41 tỉ trong vòng 50 năm, TP thực hiện thu tiền trong 1 lần. TTCP kết luận giá thuê đất của công ty Vũ “nhôm” chỉ bằng 70% giá đất ở đã được TP Đà Nẵng phê duyệt.