Số lượng giao dịch không dùng tiền mặt tăng
Dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt tăng lên 30%, giá trị giao dịch không dùng tiền mặt tăng 18%, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số (KTS), Bộ Công Thương cho rằng đó là những con số đáng khích lệ.
“Tuy nhiên, phân tích kỹ chúng ta sẽ thấy các mảng không đồng đều trong giao dịch không dùng tiền mặt. Chẳng hạn như TMĐT, hiện nay phổ biến vẫn sử dụng tiền mặt (khi hàng giao đến thì trả tiền mặt cho người giao hàng), đó cũng là rào cản đáng kể cho mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ đã đề ra…” - ông Hải khẳng định.
Lý giải về hiện tượng nửa vời này, ông Hải cho rằng, trong giao dịch ngày nay, tiền mặt vẫn là phổ biến và phải nhìn nhận đó không có gì là xấu cả bởi thanh toán tiền mặt đã tạo ra sự bùng nổ của phát triển TMĐT trong thời gian gần đây. “Tuy nhiên, việc thanh toán nhiều bằng tiền mặt sẽ làm xói mòn niềm tin giữa người tiêu dùng và các nhà kinh doanh, nó là rào cản đối với TMĐT…” - Cục trưởng Cục TMĐT và KTS khẳng định.
Một nghiên cứu cho thấy hiện ở Việt Nam có khoảng 30% dân số tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng, trong khi tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh lên tới trên 70% và tỷ lệ này còn tiếp tục tăng cao hơn nữa.
“Do đó, khi nói đến TTĐT thì độ phủ của nó lớn hơn rất nhiều, đặc biệt trong những vùng sâu, vùng xa, khi mà người dân chưa có tài khoản ngân hàng thì đấy là một trong những phương tiện rất tốt để giúp ích cho người dân ở những vùng như vậy…” - Cục trưởng Cục TMĐT và KTS Đặng Hoàng Hải khẳng định.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho phép thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ (Mobile money).
“Giá trị nhỏ - chúng tôi đang hiểu là những thứ như uống cốc trà đá, vé gửi xe, mua bánh xà phòng, cái bánh mỳ hay cốc café... những cái thanh toán nhỏ lẻ trong cuộc sống hàng ngày từ xưa đến nay chưa ai sử dụng tài khoản ngân hàng. Khi có thói quen rút điện thoại ra để trả tiền thì khi đó người dân đã quá quen với cuộc sống hàng ngày sử dụng phương tiện TTĐT. Còn với những khoản tiền lớn hơn như mua xe máy, mua xe đạp hay cần một khoản tiền làm ăn thì khi đó, họ sẽ điện tử hóa, cách duy nhất chính là sử dụng ngân hàng điện tử...” - ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc TCty Dịch vụ số Viettel giải thích.
Ông Kiên cũng khẳng định việc triển khai sử dụng viễn thông để thanh toán và mua bán hàng hóa dịch vụ giá trị nhỏ sẽ tạo thói quen cho người dân TTĐT và là cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng…
Sẵn sàng triển khai diện rộng
Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để người dân quan tâm đến thanh toán không dùng tiền mặt?
Theo Cục trưởng Cục TMĐT và KTS, ngoài việc tuyên truyền làm cho người dân hiểu lợi ích của việc TTĐT thì cần phải tạo ra trải nghiệm để họ thấy rằng thực sự việc thanh toán không tiền mặt đem lại nhiều lợi ích. Những trải nghiệm đó phải dễ dàng, bảo vệ lợi ích của người dân, đặc biệt là đảm bảo sự an toàn.
“Với việc thanh toán bằng Mobile Money, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, những tranh chấp trong TMĐT sẽ được giải quyết rất dễ dàng, độ tin cậy rất cao và các trải nghiệm của người tiêu dùng sẽ nói lên lợi ích khi tham gia TTĐT…” - ông Hải khẳng định.
Ở góc độ là nhà mạng, ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc TCty Dịch vụ số Viettel khẳng định” “Chúng tôi đã sẵn sàng!”. Ông Kiên cho biết, Viettel đã triển khai dịch vụ TTĐT được 8 năm, đơn vị đã làm chủ công nghệ liên quan đến viễn thông, cổng thông tin để chủ động bảo vệ người dùng.“Với những giải pháp này, chúng tôi khá tự hào. Hiện nay, Viettel đã sẵn sàng triển khai Mobile Money một cách an toàn cho hệ thống người dùng lớn chưa từng có ở lịch sử Việt Nam khi TTĐT…” - ông Kiên khẳng định.
Đánh giá về sự chuẩn bị và sự sẵn sàng của các nhà mạng hiện nay, đại diện Viettel cho rằng, các nhà mạng đều có điểm tương đồng với nhau về sự chuẩn bị kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin.
Đại diện Viettel cùng khẳng định, Mobile Money kỳ vọng sẽ có hàng chục triệu người sử dụng bởi hiện nay, tổng tất cả các ngân hàng ở Việt Nam, số người sử dụng TTĐT trên mobile internet cộng lại chỉ có vài triệu người, lượng người sử dụng tài khoản Mobile Money gấp hàng chục lần. Chính vì vậy, cần có cơ sở hạ tầng vô cùng mạnh để đáp ứng lượng giao dịch khổng lồ, cần đáp ứng về mặt công nghệ để đáp ứng tính tiện dụng.
“Làm thế nào để về mặt công nghệ, mặt hạ tầng đáp ứng lượng giao dịch khổng lồ trong thời gian ngắn nhất thì TTĐT không dùng tiền mặt mới đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, các nhà mạng phải chuẩn bị thay đổi về mặt hạ tầng, kiến trúc, hệ thống rất nhiều….” - Tổng Giám đốc TCty Dịch vụ số Viettel cho hay.
Đại diện Viettel cũng cho biết thêm, trái tim của một nhà mạng là hệ thống tính cước, cộng trừ tiền trong tài khoản do chính
Viettel tự sản xuất. Viettel là một trong số ít công ty ở Việt Nam có thể tự sản xuất được hệ thống này. “Cho nên chúng tôi rất tự tin có thể tùy biến hệ thống này để đáp ứng cho Mobile Money. Với tất cả sự chuẩn bị như vậy, tôi tin rằng các nhà mạng đã sẵn sàng cho việc triển khai diện rộng Mobile Money!” - đại diện Viettel khẳng định.
Về cơ sở pháp lý, theo đại diện Cục TMĐT và KTS, theo chỉ đạo của Chính phủ, đã có nhiều báo cáo đánh giá, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước cũng đã có báo cáo phân tích về thất bại, rủi ro cũng như hiện thực hóa thanh toán bằng tài khoản viễn thông. Gần đây nhất, Bộ Công Thương cũng đã nhận được góp ý cho Nghị định về thanh toán qua tài khoản viễn thông. “Chúng tôi nghĩ với sự chuẩn bị như thế, chúng ta sẽ sớm có hành lang pháp lý tốt để thanh toán Mobile Money…” - Cục trưởng Cục TMĐT và KTS khẳng định.
Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về TTĐT qua internet, điện thoại di động trong quý I năm 2019 cho thấy, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3 % so với cùng kỳ năm 2018.