Những tín hiệu vui trong năm 2020
Năm 2020, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nguồn lực đầu tư công có hạn nhưng nhu cầu đầu tư lớn; thời tiết diễn biến phức tạp; đặc biệt do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 gây ra nhưng điều đáng mừng là kinh tế - xã hội của huyện Thanh Sơn tiếp tục ổn định, phát triển khá toàn diện, có 16/17 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt kế hoạch. Để có được kết quả này, Thanh Sơn xác định phải biến khó khăn thành hành động, xây dựng nhiều giải pháp khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của huyện để tạo đà bứt phá so với năm trước.
Thanh Sơn đang ngày càng đổi thay |
Theo đó, chỉ tiêu về kinh tế năm 2020 của huyện ước đạt 2.108,1 tỷ đồng, đạt 97,2% kế hoạch; tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: các ngành dịch vụ: 839,8 tỷ đồng, tăng 4,5%; nông, lâm, thủy sản: 818,6 tỷ đồng, tăng 4,4%; công nghiệp và xây dựng: 449,7 tỷ đồng, tăng 5,61%.
Năm 2020, Thanh Sơn có cơ cấu kinh tế (theo giá thực tế) dịch vụ chiếm 40%; nông, lâm nghiệp chiếm 39,2% và công nghiệp, xây dựng 20,8%. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người năm 2020 ước đạt: 29 triệu đồng/người/năm, đạt 100% kế hoạch. Giá trị sản phẩm bình quân trên 01 ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản (tính theo doanh thu hiện hành) duy trì đạt 102,6 triệu đồng, bằng 102,6% so với kế hoạch đề ra của huyện.
Đại hội Đảng bộ khối cơ quan chính quyền |
Trong năm 2020, huyện đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch, đảm bảo cung cấp đủ giống, phân bón, nguồn nước cho gieo cấy, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng diện tích cây rau, màu các loại.
Theo ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp là huyện đã chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ như: trồng lúa Séng Cù, lúa nếp quạ, mô hình chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật kích bưởi ra hoa trái vụ, trồng gừng trâu, trồng rau an toàn,...
Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 05 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ, Thanh Sơn đã triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ như: Mở rộng diện tích trồng, chăm sóc cây bưởi; nâng cao chất lượng cây chè. Huyện đã xây dựng 02 HTX chè Vietgap Văn Miếu và HTX chè Cẩm Mỹ Tất Thắng.
Thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ KHKT có hiệu quả được huyện chú trọng nhân rộng, từng bước hình thành vùng hàng hóa tập trung như sản xuất lúa chất lượng cao đạt trên 2.070ha; nâng cao diện tích chè chất lượng cao trên 500ha, bước đầu xây dựng thương hiệu chè Thanh Sơn, gắn với củng cố các HTX chè trên địa bàn.
Huyện xây dựng thương hiệu, gắn tem nhãn đối với sản phẩm chuối phấn vàng, gà thả vườn; thâm canh chuyển hóa rừng gỗ lớn đạt trên 1.000ha; mở rộng diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo mô hình trang trại, HTX.
Đồi chè Thanh Sơn |
Thanh Sơn đã triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, Thanh Sơn đã có 4 sản phẩm đạt cấp tỉnh. Trong đó, 1 sản phẩm trà OoLong của Công ty TNHH chè xuất khẩu Bảo Long đạt 4 sao; 2 sản phẩm thịt chua (thịt chua ống nứa và thịt chua vị truyền thống) của Công ty Cổ phần và Thương mại TruongFoods đạt 4 sao; 1 sản phẩm thịt chua Thanh Sơn của HTX thịt chua Thanh Sơn đạt 3 sao.
Cùng với phát triển nông nghiệp, Thanh Sơn coi trọng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện có 1.278 cơ sở sản xuất CN-TTCN, thu hút khoảng trên 7.000 lao động tham gia, tạo việc làm cho gần 5.700 lao động với thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó thế mạnh chủ yếu là các cơ sở chế biến gỗ, chè, sản xuất vật liệu xây dựng.
Năm 2020, hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn huyện đạt được kết quả khá. Thanh Sơn đã đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư triển khai thực hiện 05 dự án về khai thác chế biến gỗ, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng… với tổng diện tích đăng ký 64,13ha, tổng mức đầu tư đăng ký đạt trên 150 tỷ đồng, nhằm góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - TTCN.
Sản phẩm chè Vietgap Văn Miếu - Thanh Sơn |
Đẩy mạnh phát triển trồng cây ăn quả
Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn Nguyễn Duy Anh cũng cho biết: Từ thế mạnh đất đai, đồi rừng của địa phương, huyện đặt mục tiêu phải tìm các giải pháp để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, phát huy tối đa lợi thế đất đai, con người. Để làm được điều này, huyện xác định phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao là một trong những hướng đi phù hợp giúp giảm nghèo hiệu quả và bền vững ở địa phương.
Do đó, huyện đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, chú trọng phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Cùng với chỉ đạo dồn đổi ruộng đất, huyện khuyến khích chuyển đất đồi thấp, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, lồng ghép các chương trình, dự án, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển trồng trọt... Trên địa bàn huyện Thanh Sơn bước đầu hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, ngày càng mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ gia đình.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thăm mô hình trồng bưởi của huyện |
Để tránh tình trạng làm ồ ạt, chạy theo phong trào, huyện chú trọng quản lý, kiểm soát chặt chẽ, thận trọng xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, làm cơ sở để lựa chọn những cây trồng phù hợp với thực tế sản xuất của địa phương và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, động viên, khuyến khích người dân tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào quá trình thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Đến nay, trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã bước đầu hình thành được các vùng cây ăn quả tập trung, ứng dụng công nghệ cao, có sự liên kết bao tiêu sản phẩm. Trong đó, cây bưởi Diễn có diện tích ước đạt 576 ha. Diện tích cho sản phẩm ước đạt 331,4 ha, năng suất ước đạt 112 tạ/ha, sản lượng ước đạt 3.711,68 tấn. Cây chuối có tổng diện tích đạt 819 ha, trong đó diện tích chuối phấn vàng được giữ ổn định 387 ha, năng suất ước đạt 295 tạ/ha, sản lượng ước đạt 10.298 tấn được trồng tập trung chủ yếu tại xã Tân Minh, Tân Lập và Khả Cửu.
Theo ông Nguyễn Duy Anh, năm 2021, huyện tập trung xây dựng vùng bưởi tập trung tại 2 cụm xã gồm cụm 1 tại các xã Tất Thắng, Cự Thắng, Thục Luyện và cụm 2 tại các xã Tân Lập, Tân Minh, Văn Miếu). Diện tích trồng mới phấn đấu 70 ha, nâng tổng diện tích trồng bưởi toàn huyện lên trên 600 ha.
Thanh Sơn tiếp tục nhân rộng mô hình trồng bưởi trong năm 2021 |
Tập trung thực hiện các khâu đột phá năm 2021
Từ những kết quả đạt được năm 2020 cũng như những vấn đề còn chưa đạt như kỳ vọng năm qua do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn Nguyễn Duy Anh cho biết, năm 2021, huyện sẽ tập trung thực hiện khâu đột phá là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút nguồn lực cho phát triển, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành, lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng lợi thế.
Du lịch Thanh Sơn |
Theo đó, Thanh Sơn tiếp tục thực hiện tốt chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư; tư vấn tiêu thụ sản phẩm, giúp doanh nghiệp tiếp cận mở rộng thị trường. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chính quyền từ huyện đến các xã luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển.
Lãnh đạo huyện tiếp tục tăng cường công tác đối thoại doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc trong đầu tư kinh doanh; thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Huyện cũng triển khai quyết liệt việc hỗ trợ, củng cố và phát triển kinh tế tập thể, phát triển hợp tác xã, phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của huyện Thanh Sơn năm 2021:
* Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ: 1.500 tỷ đồng trở lên.
* Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 115,4 tỷ đồng trở lên.
* Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất canh tác nông, lâm nghiệp và thủy sản (tính theo doanh thu giá trị hiện hành) đạt từ 102 triệu đồng/ha trở lên.
* Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt từ 33 triệu đồng trở lên.