Thời gian qua, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đưa thành phố Phủ Lý trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu chuyển giao công nghệ, thành phố Phủ Lý đã chú trọng cải thiện hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại. Song song với đó, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, tích cực cùng với doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị…
Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng thành phố, đến thời điểm này, Phủ Lý có 18 chợ nằm trên địa bàn 15 phường, xã, trong đó có 1 chợ hạng 1 và 17 chợ hạng 3. Đặc biệt, mạng lưới chợ trên địa bàn luôn được đầu tư, nâng cấp để bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của nhân dân. Nhiều chợ được đầu tư mở rộng, xây dựng mới và đi vào hoạt động ổn định, tập trung ở những phường có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng giao thông như chợ phường Châu Sơn (kinh phí xây dựng 3,9 tỷ đồng); chợ Hôm, xã Kim Bình (kinh phí 6,9 tỷ đồng); chợ Đầm, xã Liêm Tuyền (kinh phí xây dựng 5 tỷ đồng); chợ Bùi, xã Trịnh Xá (có kinh phí xây dựng gần 10 tỷ đồng)… Tại mỗi chợ, hoạt động mua, bán diễn ra khá sôi động, thu hút hàng trăm hộ dân tham gia kinh doanh, buôn bán thường xuyên.
Chợ Châu Sơn (TP Phủ Lý, Hà Nam) được đầu tư xây mới, thu hút các hộ dân đến đầu tư, buôn bán. |
Bên cạnh chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại là loại hình cơ sở hạ tầng thương mại có tốc độ tăng trưởng khá nhanh trên địa bàn thành phố trong những năm gần đây. Sự phát triển của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo thương mại của thành phố, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam. Trong 5 năm qua, thành phố đã thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ lưu trú hiện đại, cao cấp như Tổ hợp khách sạn 5 sao của Tập đoàn Mường Thanh, Tổ hợp Thương mại – Dịch vụ tổng hợp của Tập đoàn Vingroup.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Phủ Lý hiện nay có 3 trung tâm thương mại, 4 siêu thị đang hoạt động; hàng chục cửa hàng tiện ích, trên 2.400 doanh nghiệp và gần 8.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể. Hệ thống hạ tầng thương mại được đầu tư xây dựng đã tạo động lực cho ngành dịch vụ, thương mại của thành phố phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, trong năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn thành phố đã đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 24,8% so với năm 2018.
Trao đổi về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, bà Trần Thị Yến, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng thành phố Phủ Lý (Hà Nam) cho biết thành phố đang phấn đấu đưa ngành thương mại, dịch vụ trở thành điểm nhấn của đô thị loại II, do đó thành phố Phủ Lý đã vào cuộc quyết liệt trong xây dựng, quản lý quy hoạch; tổ chức thực hiện các chính sách về đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Công tác xây dựng chợ, trung tâm thương mại được triển khai thực hiện gắn với quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu xây dựng các khu đô thị.
Trung tâm thương mại Vincom nằm trên đường Biên Hòa (Phủ Lý, Hà Nam). |
Công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được các ngành chức năng quan tâm, hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên. Năm 2019, thành phố phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh đôn đốc, giải quyết những tồn tại, vướng mắc của Dự án cải tạo, nâng cấp chợ Bầu; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư nâng cấp chợ truyền thống tại phường Lê Hồng Phong và các xã Kim Bình, Liêm Tuyền, Trịnh Xá.
Có thể thấy, thành phố Phủ Lý bước đầu thành công trong việc thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ.Tuy nhiên, hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn vẫn còn chậm phát triển so với quy hoạch đã phê duyệt. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ hạng 3 tại các xã chưa nhiều khiến cho hoạt động giao thương hàng hóa giữa các xã, phường còn hạn chế. Trong thời gian tới, thành phố Phủ Lý sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh phân phối, xúc tiến thương mại; kêu gọi đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.