Nguyên nhân của sự khan hiếm theo Sở Y tế Thành phố là do các doanh nghiệp chưa nhập khẩu kịp vắcxin này.
Như vậy trong thời gian này, trẻ em có nhu cầu tiêm vắcxin Pentaxim sẽ phải tạm gián đoạn.
Cũng theo Sở Y tế, dự kiến sau tháng 9/2017, Công ty Sanofi Pasteur Việt Nam sẽ tiếp tục nhập thêm 63.000 liều vắcxin Pentaxim cho toàn quốc.
Từ đầu năm đến nay, Công ty đã phân phối cho Thành phố Hồ Chí Minh hơn 31.000 liều Pentaxim trong tổng số 107.000 liều nhập về Việt Nam nhưng hiện nay đã hết hàng do nhu cầu quá lớn.
Ngoài ra, theo thông tin từ Văn phòng đại diện Công ty GlaxoSmithKline tại Việt Nam, Công ty đang hoàn tất thủ tục xin Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu vắcxin dịch vụ Infanrix (6 trong 1).
Dự kiến trong tháng 10/2017, Công ty sẽ nhập về 120.000 liều vắc xin Infanrix để phục vụ nhu cầu tiêm chủng trong cả nước.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, khuyến cáo trong thời gian vắcxin Pentaxim hết hàng, phụ huynh có thể tiêm phòng vắcxin Quinvaxem thay thế cho trẻ, không nên vì chờ đợi vắcxin dịch vụ mà bỏ lỡ cơ hội tiêm phòng cho trẻ, gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ, đe dọa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Theo ông Dũng, hai vắcxin Quinvaxem và Pentaxim có thành phần tương đương nhau, cùng phòng ngừa 5 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, vi khuẩn Hib.
Tuy nhiên, thành phần ho gà trong vắcxin Quinvaxem là ho gà toàn tế bào, trong khi ở vắcxin Pentaxim thành phần ho gà là vô bào. Điều đó giải thích cho lý do tại sao vắcxin ho gà toàn tế bào gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vắcxin ho gà vô bào.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, vắcxin có thành phần ho gà toàn tế bào sẽ kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, kéo dài hơn và có hiệu quả bảo vệ cao hơn vắcxin ho gà vô bào.
Hiện, vắcxin Quinvaxem đang được triển khai tiêm phòng miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia tại hơn 12.000 điểm tiêm chủng trên toàn quốc./.