“Trong 10 tháng vừa qua, số lượng thanh thiếu niên trên thế giới nghe theo lời kêu gọi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tham gia phong trào thánh chiến đã tăng 71 %” - theo một báo cáo gần đây của LHQ.
Một trung tâm nghiên cứu về hiện tượng này có trụ sở tại Luân Đôn, khẳng định định: “Cho tới tháng 1/2015 đã có khoảng 20.000 thanh niên gia nhập các mạng lưới Hồi giáo cực đoan. Ít nhất là 20 % trong số đó là công dân của các nước Tây Âu”.
Nhiều biện pháp, ít hiệu quả
Để đối phó với đe dọa khủng bố, ngăn chặn thanh niên sang Trung Đông tham gia thánh chiến, chính quyền các quốc gia Châu Âu đã đề ra một số các biện pháp như là tịch thu hộ chiếu, cấm một số đối tượng đáng nghi ngờ xuất cảnh …
Chính phủ Pháp cho biết đã tịch thu 60 hộ chiếu. Paris vừa thông qua một đạo luật mới, mở rộng quyền hạn của các nhà điều tra, cho phép đặt máy camera hay trang thiết bị để theo dõi máy vi tính của những thành phần khả nghi. Anh Quốc vào tháng 2/2015 cũng đã áp dụng những biện pháp tương tự, đồng thời chính quyền Luân Đôn đã ra lệnh cấm các nhà truyền giáo quá khích tham luận tại các trường đại học.
Đức, Hà Lan và Đan Mạch đã bắt đầu tịch thu thẻ căn cước, giấy tờ tùy thân, hộ chiếu … để ngăn chận các kế hoạch tham gia thánh chiến Hồi giáo ở Irak hay Syria.
Trong số những người di cư vào châu Âu, cũng rất khó phân biệt đâu là chiến binh IS |
Trong khi đó, một nguồn tin giấu tên cho Đài RFI (Pháp) kết luận: Những biện pháp ngăn ngừa thánh chiến của các nước Tây Âu, dù tinh vi đến đâu, cũng không thể ngăn chặn được tất cả các âm mưu hay kế hoạch khủng bố.
“Tịch thu hộ chiếu sẽ là vô ích vì nếu thực lòng đã muốn gia nhập các tổ chức khủng bố ở Syria hay Irak, thì thanh thiếu niên Châu Âu có thể liên lạc với các đường dây đưa người vượt biên sang Trung Đông bằng rất nhiều ngả”- nguồn tin cho biết.
Thiếu phối hợp tình báo
Theo Cơ quan phản gián Anh (MI5), thì hiện có tới hơn một nửa trong số những công dân Anh sang Syria tham gia thánh chiến đã trở về nguyên quán. Mục tiêu của số này không chỉ là tiến hành các vụ tấn công ngay trên lãnh thổ Anh, mà họ còn có nhiệm vụ tuyên truyền, lôi kéo thêm những thanh niên khác tham gia thánh chiến, tìm kiếm các nguồn tài trợ.
Rất khó để các nhà điều tra theo dõi tất cả các hoạt động nói trên nhưng khó khăn hơn cả là vấn đề chia sẻ thông tin, phối hợp hành động giữa các nước châu Âu cùng đang phải đương đầu với đe dọa khủng bố.
Chẳng hạn, Cơ quan phản gián Anh MI5 luôn cân nhắc rất kỹ trước khi cung cấp cho các đồng nghiệp Rumani dữ liệu hay thông tin về các mạng lưới thánh chiến Hồi giáo, bởi MI5 nghi ngờ các đồng nghiệp Rumani dễ bị mua chuộc và hệ thống bảo mật của cơ quan tình báo ở Bucarest không đáng tin cậy.
Trong chính sách chống khủng bố của châu Âu liên quan đến danh sách các hành khách trên các chuyến bay, người ta cũng phát hiện không ít kẽ hở. Từ năm 2011 tới nay mới có 15 trong số 28 thành viên Liên hiệp châu Âu đồng ý chia sẻ các dữ liệu về hành khách trên các chuyến bay, theo như mô hình đã được Mỹ, Canada, hay Úc áp dụng.
Và trên thực tế, biện pháp này vẫn chưa được áp dụng do Nghị viện châu Âu đòi các nước liên quan phải có những cam kết cụ thể trong việc bảo vệ các dữ liệu mang tính cá nhân. Cuối cùng, nhà nghiên cứu Camino Mortera-Martinez cũng cho rằng, để thực hiện một kế hoạch tấn công, các tổ chức khủng bố luôn tìm ra kẽ hở của các hệ thống an ninh. Bên cạnh đó, các cơ quan tình báo của châu Âu lại không sẵn sàng chia sẻ thông tin. Đấy chính là hai trở ngại lớn trong chính sách đối phó với khủng bố của các nước Tây Âu.
Trà trộn vào di dân đến châu Âu
Từ một hướng khác, châu Âu còn đặc biệt lo ngại trong số người di dân đến châu Âu, có các chiến binh IS trà trộn, “được các băng đảng đưa vào châu Âu qua đường Địa Trung Hải” - một quan chức Libya nói với hãng BBC.
Abdul Basit Haroun - cố vấn chính phủ Libya – nói, những kẻ buôn người che giấu các chiến binh IS trên những con tàu chở đầy di dân. Nhận định này có được sau các cuộc nói chuyện với các chủ tàu ở một số nơi ở Bắc Phi do các phiến quân kiểm soát. IS cho phép các nhóm buôn người tiếp tục hoạt động; đổi lại, họ được đến 50% thu nhập của các nhóm này.
LHQ ước tính khoảng 60.000 người đã tìm cách vượt Địa Trung Hải trong năm nay. Hơn 1.800 người được cho là đã chết khi trên đường vượt biển trên những con tàu thường là chở quá tải hay không đủ sức đi ra biển trong năm 2015 – tăng 20 lần so với cùng kỳ năm 2014.
“IS sử dụng những con tàu buôn người để đưa những người họ muốn đến châu Âu vì cảnh sát châu Âu không thể biết được ai là người của IS và ai là di dân bình thường”- Abdul Basit Haroun cho biết. Những người này thường ngồi tách riêng ra với các di dân và không sợ hành trình vượt biển, chỉ cốt làm sao đến đích và chuẩn bị sẵn cho những cuộc tấn công trong tương lai ở châu Âu.
Trước đó, hồi đầu năm, Frontex - cơ quan quản lý biên giới của Liên minh châu Âu - cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng có khả năng các chiến binh nước ngoài sử dụng các tuyến đường di dân không thông thường để vào châu Âu…/.