Chưa dừng lại ở đó, anh Beo còn là người tạo thêm bước đột phá mới khi tận dụng các nguồn lợi từ rau má. Dùng lá, dây, rễ, củ rau má để tạo ra sản phẩm bột uống, làm đẹp, giúp loại rau dại có thể khẳng định được giá trị khi “vươn mình” trở thành thực phẩm bổ dưỡng.
Anh Beo bên mô hình rau má thủy canh tâm đắc của mình |
Được biết, anh Beo vốn xuất thân là kỹ sư nông nghiệp, từng có công việc ổn định với thu nhập rất cao tại một công ty phân bón. Thế nhưng, với niềm đam mê, bản lĩnh và sự quyết tâm, anh đã từ bỏ công việc ổn định và “mạo hiểm” chi gần 1,5 tỉ đồng đầu tư trồng rau má Vietgap theo hướng công nghệ cao, lắp đặt hệ thống nhà kính, giàn thủy canh tưới tự động, máy sấy lạnh… trên diện tích 700 m2.
Theo anh Beo, trồng rau má thủy canh tiết kiệm được diện tích, dễ quản lý dịch bệnh, thu hoạch nhanh, ít tốn công chăm sóc... Điểm đặc biệt của rau má thủy canh là rau có dây, hoa, củ. Khi thu hoạch, cắt chừa từ 2 - 3 lá non để cây dễ quang hợp, phát triển lại nhanh. Rau má chỉ lên giống 1 lần là có thể ăn dài dài tới. Cách 10 ngày có thể thu hoạch 1 lần. Mỗi giàn chữ A có 2 mặt, mỗi mặt 8 tầng cho thu hoạch hơn 100 kg rau má/ngày. Thị trường chính là các chợ truyền thống, quầy rau an toàn, cửa hàng đặc sản, giá bán sỉ tại vườn từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Vườn trồng rau má công nghệ cao của anh Beo đã đón nhiều lượt khách tham quan. Nhiều người khi bước vào vườn trồng loài rau dại đặc sản này đã thốt lên giống “nông trại Hà Lan”.
Anh Beo cho biết, rau má thủy canh rất ngon, ít đắng, có độ giòn hơn rau má mọc tự nhiên trên đất vườn. Cũng như rau má mọc tự nhiên, rau má trồng thủy canh công nghệ cao cũng trồng một lần nhưng có thể thu hoạch rất nhiều lần.
Nói về cơ duyên đến với công việc này, anh Beo cho biết, trong một lần về quê vợ ở tỉnh Thanh Hóa, được người thân mời cơm có món rau má mọc tự nhiên trong vườn. Lúc ấy, anh chợt nghĩ sao mình không mang loại rau này trồng theo hướng thủy canh để nâng cao giá trị. Anh đã xin giống rau má tại quê vợ để mang về nhân giống. Trở về quê, anh đã nghiên cứu cách trồng rau má thủy canh. Ban đầu, rau má trồng theo cách này bị thiếu dưỡng chất nên còi cọc và màu lá bị vàng. Với kiến thức nông nghiệp sẵn có, kỹ sư Beo tự pha trộn phân, thuốc để rau phát triển tốt, khống chế được độ đắng, độ lạt của rau má. “Ban đầu khi tôi bắt đầu nghiên cứu và phát triển ý tưởng với vườn ươm nhỏ thì mọi người bật cười vì ý tưởng khác lạ, nhưng thời gian đã minh chứng cho tâm huyết này. Khi bắt tay vào thử nghiệm, tôi luôn mong muốn khi thu hoạch rau má thủy canh sẽ mang đến cho người tiêu dùng sự mới lạ như dễ ăn, giòn, tuy nhiên, vị đắng vốn có phải dễ chịu, thơm và nhiều giá trị dinh dưỡng. Để đáp ứng được những yêu cầu đó thì tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu và thử nghiệm rất nhiều để tìm ra công thức Farm rau má thủy canh như hôm nay”, anh Beo nói.
Bên cạnh rau tươi, anh Beo còn chế biến thành bột rau má và đây là sản phẩm chủ lực. Bột thành phần 100% từ rau má vừa có thể làm thực phẩm vừa có thể dùng làm đẹp. Nhờ đó anh Beo có thu nhập từ 70 - 90 triệu đồng/tháng.
Bột rau má được làm từ 100% rau má, vừa có thể làm thực phẩm, vừa có thể làm đẹp. Trung bình 100 kg rau tươi sẽ chế biến được 6 kg bột. Giá bột khoảng 1,8 triệu đồng một kg. Sản phẩm được áp dụng quy trình sấy lạnh và nghiền mịn hiện đại nhằm giữ được màu sắc, hương vị và dinh dưỡng tự nhiên của rau má. Dạng bột rất tiện lợi trong sử dụng: người tiêu dùng có thể sử dụng để pha nước uống, dùng trong ẩm thực hay làm mặt nạ dưỡng da đều được.
Những sản phẩm được làm ra từ rau má |
Anh Beo cho biết, trong thời gian sắp tới, anh sẽ nghiên cứu rễ rau má và củ để tạo ra những sản phẩm mang giá trị dinh dưỡng, hương vị riêng biệt. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn hỗ trợ việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Hiện tại, vườn rau thủy canh của anh có 5 lao động thường xuyên, được trả lương từ 4 - 5 triệu đồng/người.
Ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, đánh giá đây là mô hình khá mới mẻ nhưng đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo làn gió mới trong nền nông nghiệp của huyện. Đồng thời, ông hy vọng, vườn rau má thủy canh có thể mở điểm dừng chân, tham quan vườn rau kết hợp bán sản phẩm, góp phần phát triển du lịch địa phương.