TS.Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng đề xuất thành lập Tổng công ty Đất Đất Việt Nam thay thế mô hình các tổ chức phát triển quỹ đất như hiện nay…
Với mô hình Tổng Công ty Đất, Nhà nước sẽ chủ động trong cung đất và chi phối được giá đất? Ảnh: MH |
Bài toán “giá đất”
Phát biểu tại tại Hội thảo “Động viên tài chính từ đất đai đẻ đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở” do Viện chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính tổ chức hôm qua, 30/12, TS Liêm cho rằng, thị trường đất của Việt Nam (chính xác là thị trường quyền sử dụng đất) có 2 cấp.
Cấp 1, bên cung là nhà nước (nhà nước thu hồi đất của những tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất để giao cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu), bên cầu là các thành phần kinh tế khác. Giá đất ở đây tính theo giá đất được cấp tỉnh quyết định và công bố từ đầu năm dựa trên khung giá do Chính phủ quy định theo nguyên tắc “sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường” và cộng thêm chi phí.
Theo ông Liêm, do chỉ có một bên cung là nhà nước nên đây là thị trường độc quyền và vì độc quyền nên dẫn đến lạm quyền, thế nên có những dự án theo như ông biết, chi phí này còn lớn gấp 3 lần so với giá nhà nước quy định, giá đó là giá “ẩn”.
Thị trường cấp 2 là các thành phần kinh tế chuyển nhượng với nhau, và do đó thị trường cấp 1 là nguồn cung cho thị trường cấp 2. Giá đất ở thị trường này căn cứ và giá thị trường cấp 1 (trong đó có giá “ẩn”) cộng với thuế phí, lợi nhuận… Năm sau nhà nước lại lấy mặt bằng giá ở thị trường cấp 2 làm căn cứ để làm khung giá đất do vậy giá đất năm sau bao giờ càng cao hơn giá đất năm trước (trừ năm 2011 thị trường suy thoái, giá đất giữ nguyên).
Theo TS Liêm, đây chính là lý do Việt Nam thực hiện kinh tế thị trường chưa được bao lâu nhưng giá đất từ chỗ “zero” (không có giá) lên cao hơn cả giá thế giới… Vấn đề đặt ra là làm sao giảm được giá đất ở thị trường cấp 1?
Thu hồi đất khi chưa có dự án- tiền đâu?
Điều 41 Luật Đất đai quy định: Nhà nước thu hồi đất và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện việc thu hồi và quản lý đất thu hồi khi chưa có dự án đầu tư; và, Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho dự án đầu tư.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, đây là cơ sở pháp lý ban đầu cho chế độ phát triển quỹ đất, song với những quy định hiện hành thì tổ chức phát triển quỹ đất của Việt Nam chỉ là đơn vị sự nghiệp công có thu, thuộc dạng tổ chức phân tán (cấp tỉnh, huyện), thiếu tính kinh phí, tính tự chủ, tính chuyên nghiệp, cũng như kinh nghiệm nên hạn chế trong việc phát triển quỹ đất.
Theo đề xuất của ông Liêm, để áp dụng cơ chế vận hành của chế độ dự trữ đất có hiệu quả hơn, tổ chức quản lý quỹ đất nên đặt tên là “Tổng công ty Đất Việt Nam” (theo mô hình của Hàn Quốc) có cổ phần của nhà nước và ngân hàng, hạch toán kinh tế độc lập, gồm nhiều công ty ở các đô thị lớn và vùng miền, ký hợp đồng với chính quyền các đô thị và các Bộ theo quan hệ đối tác công - tư PPP để làm dịch vụ thu hồi, quản lý dự trữ và cung ứng cho các dự án theo yêu cầu.
Tổng công ty lấy chính đất thu mua được thế chấp vay vốn, thậm chí vay vốn của IFC, điều mà các tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh, huyện như hiện tại không làm được. Tổng công ty được phép trích một phần lợi nhuận kinh doanh đất để bổ sung vào nguồn vốn tự có. Chế độ dự trữ đất cũng được áp dụng để phát triển các trục đường mới trong đô thị cùng lúc với khu đô thị ven 2 bên đường, mỗi bên rộng tối thiểu 50 m theo quy định tại Khoản 3, Điều 31, Luật Quy hoạch đô thị.
Đồng thời với hành lập Tổng công ty Đất, theo ông Liêm, Ngân hàng Nhà nước cũng nên trợ giúp thành lập Ngân hàng Nhà đất chuyên cho vay dài hạn trong ngành bất động sản với thế chấp bằng nhà đất (như mô hình Land Bank của Đài Loan, Philippin). Với cách làm này, theo ông Liêm nhà nước sẽ chủ động trong cung đất và chi phối được giá đất.
Thanh Thanh