Lao động trên biển luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi con người luôn phải đối diện với sự khốc liệt của thiên nhiên và những tai nạn hàng hải. Trước những hiểm nguy đó, người đi biển biết liên kết với nhau thành những nhóm để bảo vệ, giúp đỡ nhau. Với sự chỉ đạo, trực tiếp hướng dẫn của Bộ đội biên phòng Hải Phòng, trên địa bàn thành phố thành lập nhiều cụm tàu an toàn góp phần bảo đảm an toàn cho ngư dân khi hoạt động trên biển.
Chiến sĩ Trạm Biên phòng Bạch Đằng hướng dẫn ngư dân sử dụng thiết bị liên lạc với đất liền khi ra khơi Ảnh: Minh Trí |
Hiệu quả của mô hình cụm tàu bè an toàn
Với đặc thù là thành phố cảng, biển, người dân Hải Phòng từ xa xưa đã biết bám biển, vươn khơi, khai thác từ biển những nguồn lợi phục vụ con người. Giữa biển cả bao la, những chiếc thuyền nhỏ bé như những chiếc lá tre, số phận người đi biển đôi lúc rất mong manh. Trước nhiều hiểm nguy rình rập, người đi biển từ xa xưa biết gắn kết với nhau thành nhóm bạn chài, cùng nhau khai thác ngư trường, giúp nhau những khi hoạn nạn. Nhận thấy việc liên kết các chủ tàu, nhóm tàu bè làm việc ngoài biển là một việc làm thiết thực, Bộ đội biên phòng Hải Phòng khởi xướng xây dựng các cụm tàu bè an toàn. Cụm tàu, bè an toàn có cơ chế hoạt động rõ ràng, được sự hướng dẫn trực tiếp của các đơn vị biên phòng, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Việc thành lập các cụm tàu an toàn giúp ngư dân tạo mối liên kết chặt chẽ, kịp thời hỗ trợ nhau khi một phương tiện gặp sự cố. Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo thống nhất đối với cụm tàu bè an toàn, lực lượng Biên phòng có thể dễ dàng kiểm soát được các phương tiện đang làm việc trên biển, nắm tình hình an ninh trật tự trên khu vực biển mình quản lý.
Phường Ngọc Hải (quận Đồ Sơn) có nghề đánh cá truyền thống với những đội tàu ven bờ, vươn khơi lớn. Từ hơn 10 năm trước, được sự phối hợp hướng dẫn của đồn biên phòng Đồ Sơn, phường Ngọc Hải là một đơn vị đầu tiên trong cả nước hình thành mô hình “cụm tàu an toàn”. Tới nay, mỗi chuyến ra khơi của người dân Ngọc Hải là những chuyến đi của “cụm tàu an toàn”. Căn cứ vào mối quan hệ của các tàu, tính chất ra khơi (đánh bắt gần bờ hay vươn khơi) mà đồn biên phòng Đồ Sơn và địa phương thành lập các cụm tàu an toàn. Trung bình mỗi cụm có 5-7 tàu, trước khi ra khơi, thống nhất với nhau ngư trường đánh bắt, thường xuyên thông tin liên lạc với nhau và với đất liền thông qua hệ thống I-com và điện thoại di động. Tới nay trên địa bàn quận Đồ Sơn duy trì hoạt động của 19 cụm tàu an toàn đạt hiệu quả cao.
Các địa phương khác như Cát Bà, Kiến Thuy cũng thành lập và duy trì có hiệu quả hàng chục cụm tàu an toàn. Thượng tá Đào Quang Thức, đồn trưởng đồn biên phòng 54 cho biết: “Cụm tàu an toàn là mô hình thiết thực đối với ngư dân cũng như cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Nhờ nguồn tin được ngư dân đi biển cũng như cụm tàu an toàn cung cấp, các ngành chức năng và bộ đội biên phòng phát hiện, xử lý hàng trăm tàu buôn lậu, tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên biển”.
Cần mô hình trên địa bàn huyện Thủy Nguyên
Cụm tàu bè an toàn là một mô hình đặc sắc, mang tính sáng tạo của Bộ đội Biên phòng Hải Phòng. Qua hơn 10 năm triển khai tại một số địa phương như Đồ Sơn, Cát Hải, Kiến Thụy… khẳng định ý nghĩa tích cực của mô hình này. Tuy nhiên, mô hình này lại chưa được triển khai tại huyện Thủy Nguyên – nơi có đông phương tiện và số người hành nghề trên biển nhất thành phố. Việc triển khai mô hình này tại huyện Thủy Nguyên gặp khó khăn vì trước đây, trên địa bàn huyện không có đơn vị biên phòng đóng quân. Đầu năm 2010, lực lượng biên phòng thành lập Trạm biên phòng Bạch Đằng đặt tại xã Lập Lễ. Trung úy Bùi Đình Chiến, trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Bạch Đằng cho biết: Trạm được thành lập với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về biên giới; quản lý, kiểm tra, kiểm soát, đăng ký đối với người, phương tiện, hàng hóa ra vào khu vực; phát hiện, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự…Trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ trên, chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác xây dựng cụm tàu an toàn. Hiện đơn vị đang khẩn trương phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá, cử cán bộ, chiến sĩ gặp từng chủ tàu, thuyền vận động tham gia thành lập cụm tàu an toàn”.
Việc thành lập cụm tàu an toàn đáp ứng đúng nguyện vọng của người đi biển nên được các cấp, ngành và ngư dân huyện Thủy Nguyên đồng tình ủng hộ. Ông Vũ Văn Cự, tập đoàn trưởng tập đoàn đánh cá biển Nam Triệu cho biết: Hiện tập đoàn quản lý hơn 500 tàu đánh bắt cá xa bờ với hơn 3.000 nhân khẩu. Trước đây, giữa tập đoàn và lực lượng biên phòng quản lý địa bàn vẫn thường xuyên trao đổi, phối hợp. Theo tôi, việc thành lập cụm tàu an toàn đối với người đi biển ở huyện Thủy Nguyên là cần thiết. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả, cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ để sắp xếp hợp lý từng cụm. Cụm tàu an toàn phải có cơ cấu chặt chẽ, cụm trưởng phải có trách nhiệm điều hành những thành viên trong cụm, kịp thời thông báo cho ngành chức năng những vấn đề nảy sinh trên biển để xử lý”.
Việt Hòa