Diễn viên Thanh Hương bất ngờ khi có tên trong danh sách nhận hỗ trợ do Sở Văn hóa và Thể thao công bố. Chị cho biết: "Do dịch, thời gian qua công việc của tôi bị ảnh hưởng nên nhận tiền, dù không nhiều, tôi rất vui". Tuy nhiên, cho rằng bản thân còn may mắn hơn người khác, chị dự định dùng số tiền để giúp các đồng nghiệp gặp khó khăn.
Diễn viên Hồng Đăng gửi lại khoản tiền cho nhà hát nơi anh công tác để chia sẻ với các nhân viên hậu đài. Còn ca sĩ Đông Hùng - Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - cho biết: "Mấy tháng qua hoạt động nghệ thuật đóng băng, thu nhập của tôi bằng 0, gia đình có con nhỏ nên cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn. Số tiền nhận được rất đáng quý trong giai đoạn này".
99 nghệ sĩ nhận tiền thuộc sáu nhà hát do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý, gồm: Ca múa nhạc Thăng Long, Kịch Hà Nội, Chèo Hà Nội, Cải lương Hà Nội, Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Hồi tháng 6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ cấp cho một số nghệ sĩ là viên chức gói hỗ trợ 3 tháng - 5,4 triệu đồng. Ngày 1/7, theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch, đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng tư trong các đơn vị công lập được nhận một lần số tiền 3.710.000 đồng.
Diễn viên Thanh Hương. Ảnh: VFC
Nhiều ý kiến cho rằng các nghệ sĩ nhận hỗ trợ có kinh tế khá giả, trong khi nhiều nhân viên hậu đài, nghệ sĩ không biên chế gặp khó khăn lại chưa được trợ cấp. Bà Phạm Thị Mỹ Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao - cho biết đã nhận phản hồi này từ các nhà hát. Bà nói: "Các nhà hát đề nghị ưu tiên giúp nghệ sĩ, nhân viên hậu đài như: thiết kế, âm thanh, ánh sáng, phục trang... có đời sống khó khăn hơn. Chúng tôi đang bàn bạc để tìm giải pháp nhằm hỗ trợ sát đối tượng nhất. Khoản hỗ trợ giúp cuộc sống nghệ sĩ bớt phần nào khó khăn, khích lệ về mặt tinh thần và là động lực để họ nuôi dưỡng đam mê, tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật".
Sở cũng đang lên danh sách và xin ý kiến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trợ cấp dành cho nghệ sĩ, nhân viên các nhà hát trực thuộc Bộ đóng trên địa bàn thành phố, khoảng 302 người.
COVID-19 khiến nhiều diễn viên mất việc, các nhà hát loay hoay tìm đường sống. Nhiều người trẻ bỏ phố về quê vì không đủ sức bám trụ ở thành phố. Những người chọn ở lại Hà Nội, TP HCM mưu sinh bằng nhiều nghề như chạy xe ôm, làm shipper, bán đồ ăn online.