Thanh Hóa là tỉnh có 11 huyện miền núi và 4 huyện có xã miền núi. Để đảm bảo công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp xây dựng và phát triển vững mạnh đội ngũ này.
Trên cơ sở quán triệt Thông tư số 10/2016/TT-BTP của Bộ Tư pháp về báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hàng năm Sở Tư pháp Thanh Hoá đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch về Phổ biến giáo dục pháp luật trong đó có nội dung trọng tâm về tăng cường chỉ đạo, quản lý đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Việc rà soát, kiện toàn BCVPL, TTVPL luôn được quan tâm thực hiện: Triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp đã hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước.
Tính đến nay, số lượng Báo cáo viên pháp luật toàn tỉnh hiện 130 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh được công nhận. Các Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, được lựa chọn từ những cán bộ, công chức ở các sở, ban, ngành từ tỉnh đến huyện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có uy tín và kỹ năng tuyên truyền, nhiệt tình trong thi hành công vụ, đủ sức đảm nhận vai trò nòng cốt trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật có vai trò quan trọng trong công tác đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống. |
Sở Tư pháp Thanh Hoá đã thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phổ biến pháp luật và những văn bản pháp luật mới cho lực lượng Báo cáo viên. Từ 2020 đến tháng 4/2023, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức 8 Hội nghị giới thiệu luật mới cho 4.000 cán bộ chủ chốt và 130 báo cáo viên cấp tỉnh và 229 BCVPL ở 11 huyện miền núi và 4 huyện có xã miền núi (do báo cáo viên Trung ương triển khai).
Sở Tư pháp và các sở, ngành cấp tỉnh đã phối hợp với các huyện miền núi và huyện có xã miền núi tổ chức 136 hội nghị tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho gần 40.800 lượt đại biểu là BCVPL cấp huyện. In ấn gần 500.000 cuốn tài liệu, đề cương giới thiệu các văn bản pháp luật mới và 15.000.000 tờ gấp các loại để cấp phát cho BCVPL, TTVPL ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở 11 huyện miền núi và 4 huyện có xã miền núi đã tổ chức cấp phát trên 300.200 bản tài liệu PBGDPL cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Triển khai đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”, Thanh Hóa đã xây dựng được Trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật, có chia sẻ, liên kết với các sở, ngành, địa phương. Vì vậy, hoạt động tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử được thực hiện khá thường xuyên. Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có thể khai thác thông tin trên mạng internet phục vụ cho hoạt động tuyên truyền cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng cho đội ngũ báo cáo viên, truyên truyền viên pháp luật |
Nhìn chung quá trình triển khai tập huấn, đội ngũ báo cáo viên, truyên truyền viên pháp luật đã tích cực tham gia thực hiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương một số báo cáo viên, truyên truyên viên chưa thực hiện tốt nhiệm vụ này. Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho BCVPL như: Máy vi tính, máy chiếu ngày càng được quan tâm hơn. BCVPL thường xuyên sử dựng các trang thiết bị mà cơ quan, đơn vị mình đã đầu tư để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tại một số huyện, xã miền núi vùng cao như Mường lát, Quan Sơn, Bá Thước…cơ sở vật chất (hệ thống máy chiếu, màn chiếu, máy tính, internet phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền ở cơ sở…) phục vụ cho công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn.
Có thể khẳng định, triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Thông tư 10/2016/TT-BTP, hoạt động của đội ngũ BCVPL, TTVPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng đi vào nề nếp. Lực lực này giữ vai trò chủ lực trong việc tổ chức triển khai các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng từng bước đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống. Bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, BCVPL đã sử dụng nhiều hình thức PBGDPL để chuyển tải đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân chủ trương, chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước, góp phần định hướng suy nghĩ và hành động của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân theo đúng pháp luật, nêu cao ý thức trách nhiệm công dân trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, đấu tranh bảo vệ các quan điểm đường lối của Đảng, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo ổn định an ninh, chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Để đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tại các khu vực dân tộc miền núi cần có sự quan tâm, đánh giá đúng vị trí, vai trò của đội ngũ này trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó có chính sách phù hợp, thu hút năng lực của những người có trình độ và gắn bó với địa bàn dân tộc miền núi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cần có sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền khu vực miền núi, tạo động lực và phát huy tinh thần vì cộng đồng của đội ngũ này.
Với những kết quả đã đạt được trên thực tế, cùng với việc đánh giá khách quan các nội dung triển khai, đây là điều kiện góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, qua đó giúp cho đội ngũ này phát huy vai trò và có nhiều đóng góp cho công cuộc nâng cao nhận thức pháp luật của đồng bào dân tộc và khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa./.