Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”, ngày 1/6/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch về triển khai, thực hiện Đề án.
Quá trình thực hiện, các đơn vị đã tổ chức triển khai, thực hiện và quán triệt đến toàn thể công chức, người lao động cơ quan, đồng thời chủ động lồng ghép kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị về tuyên truyền, phổ biến và thực hiện đề án trong cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân.
Sở Tư Pháp Thanh Hóa đã đẩy mạnh chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị quan tâm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL trong cán bộ, công chức và nhân dân bằng hình thức phù hợp.
Tăng cường năng lực phản ứng chính sách, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xác định chính sách có tác động lớn đến xã hội cần truyền thông, xây dựng nội dung truyền thông. Tổ chức truyền thông thông qua báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tổ chức các hội nghị, diễn đàn và các hình thức phù hợp khác.
Trong quá trình thực hiện Đề án, Sở Tư pháp Thanh Hoá đã tổ chức triển khai nhiều Hội nghị Tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông, dự thảo chính sách và các văn bản liên quan để quá thực hiện được chủ động, linh hoạt, hiệu quả dành cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh và cán bộ các đơn vị.
Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa tham mưu, chỉ đạo trong thực hiện Đề án |
Bên cạnh đó, với tư cách là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Thanh Hoá, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBDGPL tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 1110/HĐPH-STP ngày 30/6/2022, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai thực Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” trong năm 2022. Đến nay đã có 27/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện và quán triệt đến toàn thể công chức, người lao động cơ quan; đồng thời lồng ghép trong kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án 407 và Kế hoạch số 150/KH-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Các đơn vị đã đẩy mạnh việc lấy ý kiến của người dân trong công tác xây dựng kế hoạch, bởi ý kiến đó phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích của người dân. Cụ thể, nhiều đơn vị đã lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), việc lấy ý kiến trên tinh thần nghiêm túc, công khai, minh bạch, đảm bảo chất lượng, khoa học, khả thi và hiệu quả…
Việc triển khai Đề án còn khẳng định đây là hướng đi phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, để vận dụng trí tuệ các tầng lớp nhân dân, định hướng dư luận xã hội, cung cấp cho các cơ quan soạn thảo những góc nhìn khách quan, đa chiều, nhằm mục đích nghiên cứu, tìm hiểu, kịp thời điều chỉnh, tránh gây ra những dư luận xấu trong quá trình xây dựng VBQPPL.
Các đại biểu lắng nghe một hội nghị quán triệt các quy định của pháp luật về Luật Thanh tra |
Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới cần tiếp tục có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong quá trình triển khai, trong đó cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm như. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phải thống nhất cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, sức mạnh của công tác truyền thông chính sách; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm truyền thông chính sách, bảo đảm linh hoạt, sáng tạo, chủ động, kịp thời, nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách; đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác truyền thông chính sách, nhất là người đứng đầu. “Không nên quan niệm truyền thông chính sách là việc của các cơ quan báo chí, truyền thông”.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới; tăng cường ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; đưa các kênh thông tin đa phương tiện phục vụ cho công tác truyền thông chính sách; xây dựng công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả truyền thông chính sách; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; các lực lượng ở cơ sở cho công tác truyền thông chính sách; chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trên biển; xây dựng đội ngũ nhân lực làm công tác truyền thông chính sách có năng lực, có chuyên môn, bảo đảm hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả; nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy tắc ứng xử, hướng dẫn quy trình thực hiện truyền thông chính sách.
Các cơ quan có thẩm quyền cần chỉ đạo cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật khi hoàn thiện hồ sơ trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần báo cáo về việc ban hành và thực hiện Kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách thuộc phạm vi Đề án và kết quả tổ chức truyền thông dự thảo chính sách đang trình; việc tiếp thu, giải trình những vấn đề mà dư luận quan tâm trong quá trình truyền thông.
Với những kết quả đã đạt được, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của các đơn vị, sự ủng hộ của người dân, công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hứa hẹn sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển.