Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống cứu thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, có hơn 150 nhà dân ở các huyện miền núi như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân bị đất đá sạt lở gây hư hại; 11 điểm trường phải sơ tán học sinh; hàng chục hecta hoa màu ngập lụt hư hại; cơ sở hạ tầng giao thông hư hại nặng; Sạt lở taluy dương, taluy âm, sạt lở sa bồi mặt đường tại 178 vị trí với chiều dài 162m tại các tuyến Quốc lộ 15, 15C, 16, 217, 47, gây tắc đường, chia cắt, cô lập nhiều địa phương trong tỉnh.
Mưa lũ lớn khiến nước sông Luồng dâng cao, gây ngập lụt một đoạn dài trên Quốc lộ 15C, khiến các phương tiện không thể lên Mường Lát. |
Đáng chú ý, tình trạng nước thấm qua chân đê tại xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc), ngay trong đêm 23/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên đã trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố. Đã có hơn 500 người bao gồm dân quân tự vệ, quân sự, công an và người dân được huy động, trắng đêm sử dụng các bao cát, chèn đá để xử lý khẩn cấp trên tuyến đê nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực đê sông Mã.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố tại đê Vĩnh Lộc đêm 23/9. |
Trước đó, mưa lớn kéo dài cùng với nước lũ sông Mã dâng mức báo động 2 cũng đã khiến Khu phố Giang Thanh, phường Thiệu Khánh (thành phố Thanh Hóa) ngập lụt cục bộ.
Nước sông tràn qua đê tại khu vực phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa gây ngập lụt (Ảnh: Báo TH). |
Sáng 23/9, trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân xảy ra vụ 2 anh em bị lũ cuốn trôi khi đi qua đập tràn. Nạn nhân là anh H.V.S. (sinh năm 2003) điều khiển xe máy chở em H.T.N. (sinh năm 2012) đi qua đập tràn khe Bu, thuộc thôn Thanh Sơn (xã Thanh Hòa) thì bị ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi.
Người dân và các lực lượng kịp thời cứu vớt được H.T.N., đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân, hiện sức khỏe anh N ổn định.
Hơn 8h cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân H.V.S. và bàn giao gia đình tổ chức an táng.
Đập tràn suối Thành, nơi 2 anh em bị lũ cuốn trôi. |
Tại huyện miền núi Thường Xuân, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy Lợi 3 vận hành xả lũ theo phương án (do Nhà máy Thủy điện Hủa Na, Nghệ An xả lũ về hồ Cửa Đạt). Bên cạnh đó, nước lớn từ các sông Đặt, sông Đằn đổ về đã làm mực nước sông Chu đang dâng cao gây ngập lụt, chia cắt nhiều thôn, khu phố của các xã Xuân Dương, Thọ Thanh, Ngọc Phụng, Xuân Cao. Đặc biệt, trên tuyến QL519 đoạn qua cầu Vụng Láu ở thị trấn Thường Xuân, nước ngập sâu đến 1m. Cầu treo Bản Mạ (thị trấn Thường Xuân) bị nước ngập sâu khiến toàn bộ thôn Bản Mạ với 50 hộ dân/200 nhân khẩu bị cô lập, chia cắt từ 17h ngày 22/9.
Cầu bản Mạ, thị trấn Thường Xuân bị ngập sâu trong nước, khiến 200 hộ dân bị cô lập (Ảnh: Nguyễn Chung). |
Trước tình hình trên, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ tham gia khắc phục hậu quả, tổ chức di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao. Tính đến hết ngày 23/9, gần 3.000 hộ dân với khoảng hơn 11.500 người đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Hàng trăm chiến sĩ bộ đội, công an được huy động khẩn cấp để hỗ trợ di dời tài sản, sơ tán người dân các vùng ngoài đê Thiệu Dương, Thiệu Khánh (TP Thanh Hoá) đến nơi an toàn. |
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng công bố 3 tình huống khẩn cấp, bao gồm: Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đồi đất khu vực Trường THCS Lâm Phú, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa; Công bố tình huống khẩn cấp đối với sạt lở đất mái taluy dương kênh Chính Cửa Đạt đoạn từ K6+300-K6+500 xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc bị ảnh hưởng do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra; Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đồi đất khu vực Trường THCS&THPT Như Xuân, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Sạt lở đồi đất phía sau công trình xây dựng Trường THCS Lâm Phú, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa. |
Sáng nay, 24/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá phát lệnh báo động III trên sông Bưởi tại thị trấn Kim Tân và trên sông Lèn tại trạm thủy văn Lèn.
Mực nước trên sông Lèn (Hà Trung, Thanh Hóa) dâng lên báo động 3. |
Các huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc cần tổ chức kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu về đê điều, các cống dưới đê; sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm "4 tại chỗ" để xử lý ngay khi có tình huống xấu xảy ra.
Đồng thời, các địa phương chủ động triển khai phương án sơ tán dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân sinh sống ở vùng bãi sông; cảnh báo người dân không tham gia các hoạt động đi lại, vớt củi, đánh bắt thủy sản ven sông, trên sông.